Góc nhìn 27/06/2018 11:38

Vi chất, chuyện con thỏ hay con con bò?

“Bổ sung vi chất dinh dưỡng” là cái tội nợ gì?

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao

 

Theo một quy định cũ (Nghị định 09/2016 ký ngày 28/1/2016), các doanh nghiệp thực phẩm, trong chế biến, hễ dùng muối là phải bổ sung I-ốt. 

Quy định này gây nhiều hệ lụy: dùng muối I-ốt, sản phẩm bị biến màu, biến mùi, đổi vị, lại thêm in nhãn và công bố mới gây nhiều khó khăn, ách tắc từ sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường (trớ trêu là nhà nhập khẩu không đòi và sau chế biến, chất I-ốt cũng chẳng còn).

Sau nhiều lần kiến nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp nghe và xử lý, Bộ Y tế thề sống thề chết (tôi có được dự họp một lần) và Chính phủ đã ban hành NĐ 19-2018 để tháo gỡ triệt để khó khăn của DN. Thì đến thời điểm hiện nay, Bộ Y tế vẫn chưa có nghị định sửa đổi, thay thế chính thức Nghị định 09/2016 cũ.

Đây là thông tin chính thức đưa ra tại hội thảo "Trao đổi một số thông tin và đánh giá tác động của việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào trong chế biến thực phẩm" mà Hội Lương thực thực phẩm TPHCM tổ chức ngày 25/6.

Ông Lâm Bá Nhĩ, Giám đốc Quản lý chất lượng của Vissan nói rõ: “Thêm I-ốt, sản phẩm Vissan bị giảm chất lượng, tăng chi phí, giá thành mà thành phẩm cũng chẳng còn I-ốt tồn dư, qua xét nghiệm.” 

“Với thủy sản, nước mắm, nước chấm; rau củ quả sấy khô, thịt gia cầm sấy, sản phẩm từ ngũ cốc sấy; các sản phẩm ăn liền, các loại bột gia vị, hay bột thực phẩm thì dùng I-ốt là bị biến mùi vị, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm. Bị như vậy nhưng nguyên nhân là do I-ốt có tính thăng hoa, biến đổi khi gặp nhiệt. Cuối cùng kiểm định lại, sản phẩm cũng không còn chất này”, ông Nhĩ nói.


Chuyện cũ chưa xong, giờ thêm rắc rối mới. “Thời sự” nhất gần đây, sau I-ốt là bắt buộc tăng cường sắt và kẽm thì càng rắc rối to. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) cho biết: “Từ 28/1/2018, nhập khẩu bột mì về để chế biến thực phẩm thì bột này không có vi chất sắt và kẽm (do nước xuất khẩu cho mình không có quy định bổ sung 2 vi chất này, có yêu cầu thì nhà cung cấp cũng không chấp nhận). Thế là DN Việt phải tự bổ sung vi chất, tốn thêm chi phí. Và trời còn đày thêm một bậc nữa là, làm cho vừa lòng trong nước thì khi xuất, nhiều nước nhập hàng của mình, quyết không nhận hàng có vi chất kẽm và sắt vì đã bị biến đổi mùi, vị, màu.”


Công ty ACECOOK Việt Nam cho biết, dùng bột mì có bổ sung sắt, kẽm, thì kết quả là bột mì bị nổi đốm, màu sắc thành phẩm bị biến đổi, quy trình đưa vào máy dò kim loại lại không áp dụng được. Hầu hết các thị trường Mỹ, Canada không yêu cầu bổ sung vi chất kẽm, sắt. Nhật Bản thì chấp nhận bổ sung sắt, không cho bổ sung kẽm. Thế là mọi chuyện cứ loạn cào cào, Bộ Y Tế vừa lòng thì nước nhập khẩu từ chối. Quy trình đảo lộn, năng suất giảm, chất lượng thay đổi, bị khách chê, chi phí tăng, mọi sự có lúc muốn thành...mất kiểm soát luôn. 

Chỉ có mấy chữ vi diệu “bổ sung vi chất dinh dưỡng” vào trong chế biến thực phẩm mà phát sinh đủ thứ phiền hà và chi phí vậy. 

Điều vi diệu hơn, Chính phủ đã nghe nhiều lần, đã sửa đổi: Chính Phủ đã ra nghị định mới từ ngày 15/5/2018, mà nay, sau hơn 40 ngày, Bộ Y Tế vẫn chưa…cứ như không. Thêm một ngày trì hoãn là doanh nghiệp rối bời mà Bộ vẫn chẳng nhúc nhích. 

Doanh nghiệp hiểu là để chậm vậy, có người khóc nhưng cũng có kẻ cười. Họ hỏi: chậm có thưởng chăng!?

Tôi nhớ câu nói đùa như xát muối vào lòng doanh nghiệp của một DN Thái Lan: “Cám ơn các bạn cứ để nguyên 109 (NĐ 109 về xuất khẩu gạo) vậy, để mấy ông gạo thơm, hữu cơ xuất sắc này của Việt Nam khỏi cạnh tranh với tụi tôi.”

 
Số 9, thiệt tình cái con số 9 quá ám ảnh: NĐ 09, 19 rồi 109. Chắc tại 9 nút nên họ chẳng sợ ai? Chỉ có doanh nghiệp sợ họ đến bó tay?

Chuyên mục: Góc nhìn
Vũ Kim Hạnh
Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao

Bà Hạnh từng là một trong những Tổng Biên tập nổi tiếng của báo Tuổi trẻ. Hiện nay bà về hưu và trở thành Chủ Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *