Góc nhìn 25/03/2015 10:32

Ứng phó với thực phẩm "bẩn": Để là người tiêu dùng thông thái

Để hạn chế nguồn lây bệnh do thực phẩm bẩn, người tiêu dùng cần đảm bảo an toàn thực phẩm ngay từ khâu lựa chọn.

T
Người tiêu dùng cần đảm bảo an toàn thực phẩm ngay từ
khâu lựa chọn.
 
Khi mang về nhà, thực phẩm cũng được nhanh chóng cất giữ hoặc xử lý đúng cách.

Tránh lây nhiễm chéo thực phẩm

Vi khuẩn và virus thường di chuyển từ nơi này sang nơi khác, đặc biệt là nhiễm chéo từ thực phẩm sống sang thực phẩm ăn sẵn đã nấu chín.

Các vi khuẩn và virus có thể truyền từ các đồ vật, bàn tay con người, bề mặt của thịt sống, rau sống, bụi bẩn. Trong số các thủ phạm gây ra sự nhiễm chéo này, bàn tay con người là một thủ phạm đắc lực nhất. Bàn tay thường tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chưa chế biến, thớt bẩn, dao và đồ dùng nấu ăn khác. Tiếp đó là ý thức của con người, đôi khi các thớt, đĩa và dao vừa dùng cho các thực phẩm tươi sống lại được dùng cho thực phẩm đã nấu chín rồi.

Tủ lạnh là nơi đựng các loại hoa quả, thức ăn lưu giữ cho các bữa tiếp theo. Tuy nhiên, việc lưu trữ thực phẩm không đúng cách khiến tủ lạnh trở thành ổ vi trùng, vi khuẩn. Nhiều nhà hàng và nhiều gia đình lưu giữ thực phẩm tươi sống cùng với các thực phẩm đã được nấu chín hoặc hoa quả trong cùng một ngăn của tủ lạnh càng khiến sự lây nhiễm chéo trầm trọng hơn. Các thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là các loại ngũ cốc, hạt có dầu như đậu, lạc mốc có chứa độc tố vi nấm rất nguy hiểm.
Đảm bảo vệ sinh phòng chống dịch

> Để phòng các bệnh liên quan đến tiêu hóa, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bát đũa, dao thớt, bếp phải luôn được vệ sinh sạch sẽ. Thức ăn cần được nấu chín và khi dùng lại ở bữa sau cũng cần phải hâm nóng kỹ. Khi bị tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng... dù bất cứ nguyên nhân nào người mắc bệnh cũng phải được uống nước oresol, hoặc nước cháo, nước trái cây... Không ăn tiết canh để phòng bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm.

>Đặc biệt lưu ý thịt sống và thịt chín khi thái cũng cần dùng thớt riêng. Nên thay thớt khi thấy trên bề mặt của thớt đã có nhiều viết xước bởi vì là vi khuẩn có thế mắc trong các kẽ xước đó.

>Đảm bảo thời gian lưu giữ thức ăn đã chế biến, nghiền nhỏ vì để kéo dài sẽ tăng độ nhiễm khuẩn nếu mất vệ sinh.
 

Trong quá trình chế biến, ý thức của người chế biến kém đã dẫn đến nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đáng sợ. Các vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể ở một số trường học bán trú, các xí nghiệp sản xuất, các buổi liên hoan hay lễ cưới với số người ngộ độc lớn khiến người tiêu dùng lo lắng. Bên cạnh các yếu tố nói trên, một yếu tố khiến tình trạng nhiễm độc thực phẩm cao là do kiến thức của người tiêu dùng kém. Nhiều thực phẩm được đóng gói bán không nhãn mác, không nguồn gốc nhưng không khiến nhiều người lo lắng. Cứ rẻ là được, hoặc theo cảm tính là trông "cũng ổn" nên mua. Theo các bác sĩ thì ngay trong bản thân thực phẩm cũng có thể chứa các thành phần có hại. Cùng với các vi khuẩn, virus nhiễm vào trong quá trình vận chuyển, chế biến, những chất độc này gây ngộ độc cho con người. Tính độc dù với lượng rất nhỏ nhưng lâu dài cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể. Những hóa chất độc hại dùng để bảo quản thực phẩm có thể nhiễm vào thực phẩm ngay từ quá trình nuôi trồng, chế biến, nấu nướng... đã trở thành độc tố nghiễm nhiên có mặt, trở thành một thành phần tự nhiên trong thực phẩm.

Người tiêu dùng cần lưu ý một số loại thực phẩm dễ nhiễm khuẩn, nhiễm độc là thịt lợn, bò, trâu, ngựa, gà, vịt... Các loại thủy, hải sản như cá, tôm, lươn, ốc, ếch. Các thực phẩm nguồn gốc thực vật ít xảy ra hơn nhưng cũng cần lưu ý thuốc trừ sâu trong quá trình nuôi trồng cũng để lại hóa chất tồn dư. Một số thức ăn nếu không được bảo quản, chế biến đúng quy trình vệ sinh an toàn thì vi khuẩn sẽ phát triển nhanh, mạnh như sữa, trứng và các thực phẩm nghiền băm nhỏ như patê, thịt băm ...

Lựa chọn thông minh

Để tránh tình trạng mua phải thực phẩm "bẩn", các nhà nội trợ thông thái có những kinh nghiệm lựa chọn thực phẩm đáng lưu ý.

Khi mua thịt, cần chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt. Thịt tươi, ngon phải có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Thịt tươi và sạch cần phải không có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.

Chọn mua gà cần chọn con khỏe mạnh, mào đỏ tươi, da và lông mềm mại, lỗ chân lông nhỏ, hậu môn không ướt và đỏ, đùi to, chắc, chân nhỏ. Chọn vịt chọn mua con trưởng thành và béo, ức tròn, da cổ và da bụng dày, mọc đủ lông, mỏ nhỏ và hơi cứng, xách thấy đằm tay. Chọn mua trứng gia cầm cần để ý vỏ trứng màu phải sáng, không có những vệt xám đen, không bị giập, có màu hồng trong suốt khi soi qua ánh sáng.

Để chọn cá và đồ hải sản ngon, lời khuyên của các bà nội trợ là tốt nhất nên mua cá tôm còn sống, đang bơi trong nước. Cá tươi có miệng ngậm kín, thân cá rắn chắc, đàn hồi, ấn tay vào không để lại vết ấn. Vảy cá óng ánh, bám chặt thân cá, không có niêm dịch và mùi hôi thối khó chịu. Mang cá có màu đỏ hồng, không bị nhớt hay mùi hôi. Trôn cá thụt sâu vào bên trong, có màu trắng nhạt và bụng cá lép. Riêng chọn tôm vỏ sáng lóng lánh, dài và trơn láng. Các loại thủy sản khác nên chọn loại còn tươi, có màu sắc bình thường, đặc biệt không có mùi ươn hôi.

Đối với thực phẩm chín, ăn sẵn cần phải thận trọng, chỉ nên mua ở những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh. Đối với rau, củ, quả nên lựa chọn loại tươi, còn nguyên cuống, không dập nát, không có những đốm màu khác nhau. Những loại rau quả ít dùng thuốc trừ sâu là bầu, bí xanh, bí đỏ, chuối... Thận trọng với những loại rau: Rau muống, xà lách, rau cải xoong, tần ô, cải bẹ xanh, cải ngọt, rau má, đậu đũa, khổ qua, táo Thái Lan... Không mua rau đã héo úa, dập nát hay có mùi lạ... 
10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn

1. Lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, an toàn.

2. Ngâm kỹ, rửa sạch, gọt vỏ quả tươi trước khi sử dụng.

3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.

4. Che đậy, bảo quản cẩn thận thức ăn sau khi đã nấu chín.

5. Đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi sử dụng.

6. Không dùng chung dụng cụ chế biến hoặc để lẫn thực phẩm sống và chín.

7. Rửa sạch tay trước khi chế biến và sau khi đi vệ sinh.

8. Bảo quản dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm phải khô ráo, sạch sẽ, hợp vệ sinh.

9. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, hỏng mốc, quá hạn dùng.

10. Sử dụng nguồn nước sạch, an toàn trong chế biến thực phẩm.
 
Theo Hà Hương
Gia Đình
Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *