Góc nhìn 06/10/2020 14:18

Tư duy phổ biến

Cấm dịch vụ đòi nợ thuê giống như, thấy trên xe bus có rất nhiều người móc túi nên chính sách đưa ra nên cấm xe bus.

Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI

Có lần, ngồi tranh luận với các bộ về quy định điều kiện kinh doanh trong một ngành. Tôi đề xuất: “Điều kiện gia nhập thị trường ngành này cao quá, doanh nghiệp nhỏ không vào được, đề nghị hạ xuống.”

Đại diện cơ quan soạn thảo “chọc” lại: “Hôm kia anh cùng với doanh nghiệp nhỏ ABC phản đối quy định này trên một chương trình truyền hình đúng không? Doanh nghiệp đó vừa mới bị công an xử phạt vì bán hàng kém chất lượng đó. Anh còn muốn bênh gì doanh nghiệp nhỏ không?”

Tôi trả lời, tôi rất hoan nghênh Nhà nước xử phạt doanh nghiệp đó vì lỗi bán hàng kém chất lượng. Tôi còn đề nghị xử phạt nặng hơn, thậm chí rút giấy phép các doanh nghiệp bán hàng kém chất lượng. Nhưng chỉ cấm kinh doanh khi hàng kém chất lượng thôi, chứ không phải cấm doanh nghiệp nhỏ kinh doanh. Nhỏ nhưng vẫn có người bán hàng chất lượng, mà lớn vẫn có thể gian dối. Đừng có đánh đồng!

Tôi tiếp, nếu thấy doanh nghiệp nhỏ có tỷ lệ gian dối cao hơn thì tăng tần suất thanh kiểm tra với doanh nghiệp nhỏ, nếu một doanh nghiệp qua nhiều lần kiểm tra thấy chấp hành tốt thì giảm tần suất kiểm tra xuống. Đó mới là cách quản lý tốt, chứ không phải là cấm đoán.

Đến nay thì điều kiện kinh doanh trong ngành này đã được hạ xuống cho phù hợp, và bộ quản lý ngành cũng tăng cường công tác giám sát chất lượng hàng nhiều hơn.

Còn việc cấm doanh nghiệp đòi nợ, thấy công an bắt một giám đốc doanh nghiệp đòi nợ thuê thì ngay lập tức hàng loạt ý kiến ủng hộ cấm đòi nợ thuê. Và chắc chắn, trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư kỳ vừa rồi ở Quốc hội, rất nhiều người trong cơ quan quản lý, đại biểu quốc hội cũng tư duy y hệt như vậy: Nêu ví dụ các vụ đòi nợ thuê kiểu khủng bố, rồi đòi cấm toàn bộ dịch vụ này.

Tôi vẫn hay nói đùa, nó giống như là thấy trên xe bus có rất nhiều người móc túi nên chính sách đưa ra nên cấm xe bus.

Nhưng có vẻ như cách tư duy này rất phổ biến. Vì sao nhỉ?

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế, VCCI

Nguyễn Minh Đức sinh ngày 22 tháng 7 năm 1987, tốt nghiệp đại học là cử nhân Luật và hiện đang là thành viên Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *