Góc nhìn 14/01/2020 11:53

Tiếp tục gieo rắc sợ hãi nước mắm truyền thống?

Chiều ngày 13/1, các báo điện tử đưa một tin “giật gân”: có 4 công ty đã dùng hóa chất tẩy rửa bồn vệ sinh làm nước mắm. Nguồn tin là Thanh tra Bộ Nông nghiệp & PTNT.

Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao

Nghe hoảng hồn không? Nghe qua là giật gân đùng đùng!

Trong 4 công ty này, có một công ty ở An Giang, 2 ở Vĩnh Long và một ở TPHCM. Thế nhưng, dù lúc đầu công bố là 4, bỗng con số trên các báo mạng hô biến còn 3. Và lần nữa, lại sửa cái tựa thành 3 công ty dùng Soda công nghiệp làm nước mắm.

Sao chỉ trong một buổi chiều mà cường độ giật gân bỗng thay đổi nhanh như vậy? Đọc kỹ, thì công ty nước mắm tại TP Hồ Chí Minh bị kéo vào nhóm các công ty bị gọi là “dùng hóa chất tẩy rửa bồn vệ sinh làm nước mắm”, đó là công ty nước mắm Liên Thành.

Thực ra, khuyết điểm lại là nhà xưởng bị thiếu cái mái che (đề phòng côn trùng đi qua). Chỉ vậy thôi, mà tùy tiện gom chung với 3 doanh nghiệp kia để làm gì? Để nói cho gọn và tạo “giật gân toàn tập” chăng? Hay khiến doanh nghiệp sợ hãi mà biết phải trái, thì chỉ có trời mới biết.

Chuyện giât gân ở đây, không chỉ có biến 3 thành 4. Còn có chuyện nhấn cái tên Soda công nghiệp thành cái chất ghê tởm đáng sợ là chất tẩy rửa bồn vệ sinh.

"Cơ quan chức năng kiểm tra thấy rằng trong quá trình làm nước mắm, sau khi xếp cá và muối vào lu thì người làm nước mắm chế nước bổi lên (là nước mắm giảo, chắt lại sau khi đã lấy đi phần nước mắm ngon) nhằm giúp quá trình làm nước mắm diễn ra nhanh và ngon hơn. Nhiều công ty nước mắm truyền thống thứ thiệt, trung thành trong cam kết với người tiêu dùng thì chỉ dùng cá với muối.

Tuy nhiên có một số doanh nghiệp thì có pha thêm bột ngọt (Muối amin Glutamate) và chế phẩm chiết xuất đầu tôm để ướp cá. Đây là cách tăng độ đạm. Khi thêm bột ngọt thì làm tăng tính acid, tức tăng độ chua nên doanh nghiệp đã ứng dụng một phản ứng trung hòa (Acid + Bazo để tạo ra muối và nước). Chất "ba-zơ" thông dụng nhất là Xút ăn da, tức NaOH, quá quen thuộc.

Bác sĩ Phan Xuân Trung vừa viết: “Xút ăn da là chất kiềm cũng dùng tạo ra Bicarbonate Natri, tức soda, dùng trong chế biến nước ngọt, bột nổi...Đến đây thì các nhà báo (đúng là báo hại) lại thi thố tài kích điện cho giật gân, bứt tóc bằng cách gọi Soda là "chất tẩy rửa bồn vệ sinh".

Gọi vậy vừa là khinh độc giả không biết gì, vừa đầu độc tâm trí người cầm tiền đi chợ (siêu thị) khiến họ sợ hãi mà không mua nước mắm truyền thống, mà chuyển sang mua nước chấm công nghiệp.

Hơn nữa, Soda được chia làm 2 loại, trong đó Soda thực phẩm thì có độ tinh khiết hơn Soda công nghiệp. Ở đây, các công ty làm nước mắm đã dùng Soda công nghiệp để trung hòa độ chua của bột ngọt. Nếu dùng Soda công nghiệp là sai thì phạt. Nhưng làm quá lên, bóp méo luôn, làm xiếc chữ tạo ấn tượng cho ghê sợ, là bất lương. Mà cuối cùng, động cơ thúc đẩy làm vậy, chỉ nhằm giật gân câu khách hay nhằm giành khách cho ai?

Chuyện công bố 4 công ty, rồi thấy sai, làm thinh sửa số đã khiến Liên Thành muốn nín thở (mùa này cao điểm bán hàng mà). Nhưng thổi phồng lên, đay đi đay lại cái...bồn vệ sinh là “công” của các nhà báo bị ám ảnh phải tạo giật gân.

Viết báo kiểu đó ắt gây hại lớn hơn, rộng hơn là gây cảm giác ghê sợ nước mắm truyền thống. Ở một nước nào khác, doanh nghiệp nào dùng “tẩy rửa bồn cầu” làm nước mắm sẽ bị các nhà sản xuất kinh doanh nước mắm truyền thống kiện cho tới khi phải bồi thường.

Còn ở Việt nam, thì ngầm hiểu rằng: “Anh yếu thế, được thay đổi từ “tẩy rửa bồn vệ sinh” qua “soda công nghiệp” là hú vía rồi, đừng có mà...được voi đòi Hai Bà Trưng nữa, không có đâu.”

Cuối cùng, nhà báo là “tự do” nhất còn doanh nghiệp là khổ nhất? Báo chí tự do thế mà cứ than...

Chuyên mục: Góc nhìn
Vũ Kim Hạnh
Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao

Bà Hạnh từng là một trong những Tổng Biên tập nổi tiếng của báo Tuổi trẻ. Hiện nay bà về hưu và trở thành Chủ Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *