Góc nhìn 07/06/2019 08:58

Tiền điện được tính thế nào?

Ai cũng có thể tính được tiền điện hàng tháng chúng ta phải trả, dựa trên số kWh tiêu thụ.

Nguyễn Minh Đức

Chuyên gia Pháp chế - Phòng Pháp chế VCCI

Chỉ cần lấy số điện, tách thành từng bậc, nhân với GIÁ ĐIỆN TỪNG BẬC, rồi cộng lại. Ví dụ, tôi dùng 120 số điện trong tháng thì tháng đó tôi phải trả: (50x1678) + (50x1734) + (20x2014).

Nhưng GIÁ ĐIỆN TỪNG BẬC được quyết định thế nào? Vì sao lại có các con số 1678 đồng, 1734 đồng, 2014 đồng…

Giá điện của từng bậc được tính dựa trên GIÁ BÌNH QUÂN nhân với hệ số khách hàng. Hệ số khách hàng được quy định tại Quyết định 28/2014/QĐ-TTg. Nhiều người tranh luận sự hợp lý của các hệ số tại Quyết định 28 này, ví như vì sao bậc ngắn thế, vì sao hệ số của khách hàng sản xuất thấp thế, vì sao khách sạn phải chịu hệ số cao thế,… Xin phép không tranh luận các vấn đề này ở tút này.

Vậy GIÁ BÌNH QUÂN được tính thế nào?

Để tính được Giá điện bình quân là một bài toán rất phức tạp. Công thức của nó được quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg. Đọc cái công thức này chắc nhiều người không hiểu, mình xin phép diễn nôm lại.

Trong 1 năm, EVN sẽ phải tính TOÀN BỘ CHI PHÍ họ bỏ ra để cung cấp điện cho khách hàng, từ chi phí phát điện, chi phí truyền tải, chi phí phân phối bán lẻ, chi phí quản lý chung, chi phí hệ thống điều độ, một vài chi phí khác và lợi nhuận định mức. Toàn bộ chi phí này được cộng hết lại rồi chia cho sản lượng điện trong năm đó thì ra giá bình quân. Nôm na là cộng hết chi phí chia cho sản lượng thì ra giá.

Tổng các chi phí này mà bóc tách ra thì vô cùng nhiều khoản mục. Bạn cứ tưởng tượng bạn là kế toán cho một doanh nghiệp, bạn sẽ phải ghi chi tiết từng khoản mục như tiền lương cho người lao động, chi phí công đoàn, tiền mua máy tính, giấy in, dập ghim, cho đến chi phí khấu hao nhà xưởng, máy móc, cả chi phí lãi vay ngân hàng… Nếu tính cho cả EVN thì có thể nói không ngoa là hàng triệu con số, hàng triệu phép tính thì mới ra được TỔNG CHI PHÍ.

Còn sản lượng điện thương phẩm thì có vẻ dễ tính hơn, cứ cộng sản lượng của tất cả các đồng hồ đo điện bán lẻ là xong.

Quá trình tính GIÁ BÌNH QUÂN thế nào?

Toàn bộ việc tính toán GIÁ BÌNH QUÂN này dựa trên số liệu của EVN báo cáo, có kiểm toán độc lập Big 4. Hai năm vừa qua mình biết là Deloitte làm. Như vậy rồi vẫn chưa yên tâm, Bộ Công Thương mỗi năm lại cử đoàn đi kiểm tra chi phí này của EVN. Đoàn có đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Cục Giá và Cục Tài chính doanh nghiệp), Quốc hội, Mặt trận, Bộ Lao động, VCCI, Hội Điện lực, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Đó là kiểm tra hàng năm, còn vài năm thì Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước lại vào kiểm tra lại.

Ai quyết định GIÁ ĐIỆN BÌNH QUÂN?

Sau khi tính ra được toàn bộ chi phí và sản lượng, các con số này sẽ được chuyển lên cấp quyết định giá điện, mà thường là các cuộc họp ở Văn phòng Chính phủ. Ngoài con số về chi phí và sản lượng, các cuộc họp này sẽ quyết định (1) lợi nhuận định mức EVN được hưởng; (2) thời điểm tăng giá.

EVN dùng tiền ngân sách để đầu tư, khoản tiền từ ngân sách này không thể không tính lãi suất/lợi nhuận. Các cuộc họp này sẽ quyết định trong năm đó, khoản đầu tư này nên được hưởng lãi suất/lợi nhuận là bao nhiêu. Thường thì kết quả ra chỉ ở mức 0%, 1%, 3%. Chưa bao giờ mình thấy lợi nhuận lớn hơn.

Khoản lợi nhuận này sẽ được quay vòng trở lại để tái đầu tư cho nhà máy mới, đường dây mới.

Còn thời điểm tăng giá thì cũng cần cân nhắc các yếu tố về lạm phát, nhu cầu điện, và cả nhiều yếu tố khác khó nói.

Vì sao lại phải tính như vậy?

EVN là doanh nghiệp độc quyền. Theo lý thuyết kinh tế, doanh nghiệp độc quyền sẽ luôn muốn nâng giá để kiếm lợi nhuận độc quyền. Để chống lại điều này, Nhà nước phải đưa ra mức giá tối đa mà EVN được phép bán cho khách hàng. Nhưng Nhà nước dựa vào đâu để xác định mức giá tối đa này?

Nhà nước đã xây dựng lên một hệ thống tính toán và kiểm soát phức tạp như được lược tả ở trên.

Có người nói: Tiền lỗ đầu tư ngoài ngành được tính vào giá điện?

Xin thưa là Không. Công thức trên không có chỗ nào cho phép cộng các chi phí của các khoản đầu tư không dành cho điện. Đây là chỗ bị soi nhiều nhất trong tất cả các đợi thanh kiểm tra EVN, nên mình nghĩ là không có chỗ cho vi phạm.

Có người nói: Tiền tham nhũng, lãng phí cũng được tính vào giá điện?

Thực sự là không thể khẳng định hay phủ định nghi vấn này. 

Có người hỏi: Tiền phúng viếng, tiền xây sân tennis cũng được tính vào giá điện?

Đúng là EVN có tính vào. Nhưng tính vào có hợp lý không thì phải xét lại. EVN là một doanh nghiệp, họ có người lao động. Người lao động của họ cũng có cha mẹ. Khi người lao động có cha chết, mẹ chết thì chủ sử dụng lao động có tiền phúng viếng liệu có hợp lý? EVN xây nhà máy điện ở khu vực xa xôi hẻo lánh, nhiều nhà máy cách xa khu dân cư đến cả chục km đường núi. Nếu bạn là một kỹ sư điện, thì lương bao nhiêu, phúc lợi thế nào để có thể bạn chấp nhận lên đó làm việc?

Tôi nghĩ, với một mức chi phong bì phúng viếng, chi phúc lợi cho người lao động hợp lý thì đó vẫn là điều chấp nhận được. Còn nếu chi thái quá thì cũng cần xem lại và loại bỏ. Nhưng vấn đề tiếp theo là làm thế nào để xác định một con số hợp lý?

Liệu có thể công khai thông tin hơn nữa?

Hiện công thức tính tiền điện và giá điện đã được quy định tại Quyết định 28 và Quyết định 24. Nếu đọc kỹ các văn bản này thì rất nhiều câu hỏi của dư luận đã được giải quyết.

Nhưng vẫn có thể tăng cường minh bạch hơn nữa bằng cách công bố các báo cáo kiểm toán chi phí hàng năm.

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế, VCCI

Nguyễn Minh Đức sinh ngày 22 tháng 7 năm 1987, tốt nghiệp đại học là cử nhân Luật và hiện đang là thành viên Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *