Góc nhìn 09/07/2018 14:10

Thói xin cho, phi thị trường

Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá xin Chính phủ hạn chế nhập xăng dầu để tiêu thụ xăng dầu Nghi Sơn là phi thị trường, phản tác dụng.

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia Kinh tế

Đây là một đề xuất tồi, đề xuất rất phi thị trường. Đây là việc điển hình cho cơ chế điều hành kinh tế có bàn tay nhà nước, lúc nào "bí" thì dựng hàng rào lên để cạnh tranh, trong khi tự mình không cạnh tranh nổi. Thử hỏi, nếu hạn chế nhập xăng dầu, thì dân có được dùng xăng ưu đãi, chất lượng tốt và lợi hơn so với dùng xăng nhập hay không? Làm rõ vấn đề đó thì hãy nên hạn chế.

Đối với Nghi Sơn, mấy năm về trước rộ lên một loạt các vấn đề rồi chứ không phải hiện nay. Chúng ta có những quy định từ đầu về bao tiêu sản phẩm khi sản xuất ra đã thể hiện chúng ta quá ưu đãi đối với họ rồi.

Tiếp đến sau đó là cách chúng ta hỗ trợ thuế đối với doanh nghiệp khi Việt Nam bỏ thuế nhập khẩu xăng dầu ở ASEAN và các nước khác theo cơ chế FTA như Hàn Quốc và nhiều nước ASEAN như Singapore, Malaysia - những nước chúng ta đang nhập lượng lớn xăng thành phẩm.

Ngay bản thân Nghi Sơn cũng chưa đảm bảo yêu cầu Euro 4 như Việt Nam đề ra. Bộ Công Thương từng có báo cáo về vấn đề này.

Như vậy, nếu khi vận hành thương mại liệu doanh nghiệp có khẳng định chất lượng đạt chuẩn hay không? Chúng ta phải giám sát chất lượng nếu không khi đưa vào sử dụng nó phương hại đến nhiều người, phá vỡ các quy định của Việt Nam đã có mà tất cả các doanh nghiệp khác đang phải thực hiện.

Việc chúng ta cam kết bao tiêu sản phẩm khiến cho doanh nghiệp không có động cơ hoàn thiện chất lượng và phẩm chất sản phẩm. Đây là sự yếu kém chính sách, vì vậy chúng ta nên nhìn thẳng là không thể có thêm ưu đãi nữa.

Và việc đề xuất loại trừ việc nhập xăng dầu như thế sẽ không đúng với kinh tế thị trường, tôi tin rằng đề xuất đó Chính phủ sẽ không chấp nhận. Bởi nếu chấp nhận thì sẽ phá vỡ nhiều quy định tuân thủ pháp luật thế giới mà Việt Nam đã tham gia.

Hiện nay Việt Nam cũng tham gia rất nhiều Hiệp định FTA với các nước lớn trên thế giới và khu vực hoá, quốc tế hoá, chịu sự giám sát của các nước khác nhau nên chúng ta không thể đơn phương đưa ra vấn đề hạn chế như vậy được.

Nếu chúng ta gây mất niềm tin ở vấn đề nào đó thì sẽ khiến thế giới có cái nhìn khác về Việt Nam.

Còn ở trong nước, thị trường và người tiêu dùng không quan tâm đến sản phẩm trong nước hay ngoài nước, miễn sao sản phẩm của họ tiêu dùng phải chất lượng, đúng giá và đúng tiêu chuẩn. Nếu chúng ta hạn chế đồng nghĩa với việc hạn chế sự cạnh tranh và loại bỏ yếu tố thúc đẩy cạnh tranh, cải thiện chất lượng.

Những người mua lớn, người tiêu dùng lẻ hạn chế đi lựa chọn sản phẩm, điều này phát sinh độc quyền cung ứng, phân phối.

Đề xuất của lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, tôi cho là sự quan tâm không đúng mực. Thay vì đề xuất kiểu xin cho cũ kỹ, nên quan tâm thúc đẩy họ là tạo điều kiện cho họ cạnh tranh tốt chứ không phải theo kiểu hạn chế cạnh tranh, hạn chế thị trường như nói trên.

Chuyên mục: Góc nhìn
Phạm Chi Lan
Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế

Phạm Chi Lan sinh ngày 14 tháng 1 năm 1945 là một chuyên gia kinh tế nổi bật của Việt Nam. Bà từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *