Góc nhìn 08/07/2019 09:59

Thời hạn tạm ứng niềm tin

Ngồi với một doanh nhân nhiều kinh nghiệm, ông ta than vãn: “Nhà nước cấp đất cho tôi 30 năm để kinh doanh. Tôi lập kế hoạch kinh doanh cho 30 năm. Nhưng khi đi xin giấy phép kinh doanh thì người ta cấp cho tôi có 3 năm một. Hết 3 năm lại phải lên xin gia hạn, mà xin thì chắc gì đã được.”

Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI

Ông ta kêu gọi đầu tư. Nhà đầu tư sau khi xem xét dự án thì bảo: “Nhà nước chỉ cho giấy phép 3 năm, thì ta chỉ nên mua máy móc cũ, sau 3 năm hết khấu hao. Chứ giờ mua máy mới mà vài năm nữa lại không được gia hạn giấy phép thì máy đó bán cho ai?”

Không chỉ chuyện mua máy cũ máy mới, thời hạn giấy phép còn ảnh hưởng đến quyết định của doanh nghiệp trong việc xây dựng kiên cố hay xây tạm? Có làm thương hiệu hay không? có đầu tư cho nghiên cứu phát triển hay không? Có bỏ tiền cho nhân viên đi học hay không?

Nhà nước muốn doanh nghiệp lớn, làm ăn bài bản, đầu tư cho cơ sở vật chất, cho thương hiệu, cho công nghệ, cho con người… nhưng Nhà nước chỉ cấp phép cho có 3 năm. Thử hỏi ai còn dám bỏ tiền?

Mình làm chính sách, hàng ngày chứng kiến các Bộ ngành gia sức cài cắm các thể loại giấy phép con. Một trong những thủ đoạn cài cắm được ưa chuộng nhất là thời hạn của giấy phép. Các cơ quan cấp phép tìm mọi cách để đưa thêm quy định về thời hạn của giấy phép, cái thì 5 năm, cái thì 3 năm, cái thì chỉ có 1 năm.

Nếu Nhà nước lo ngại doanh nghiệp làm sai, vi phạm pháp luật thì đã có quy định về thanh tra, kiểm tra định kỳ. Nếu doanh nghiệp vi phạm thì Nhà nước có quyền xử phạt, tước giấy phép. Vậy thì quy định thời hạn giấy phép đâu còn ý nghĩa thực tế, thậm chí, nó được vẽ ra để cán bộ kiếm thêm phong bì mỗi lần doanh nghiệp phải xin xỏ.

Có lần, một chị làm pháp chế cho một Bộ tâm sự với tôi: “Chị cũng cố gắng nói các đơn vị trong bộ bỏ cái thời hạn giấy phép đi. Nó chẳng có ý nghĩa gì cả, vì đằng nào mình cũng đã có thanh tra, kiểm tra rồi. Nhưng các đơn vị nhất định không chịu bỏ, còn quay ra nói chị là trong Bộ với nhau mà còn phá “nồi cơm” của anh em.”

Cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ đâu? Tôi đọc đâu đó nói rằng: Bản chất của phát triển kinh tế là sự phát triển của niềm tin được tạm ứng. Vậy hãy Chính phủ hãy bắt đầu bằng việc nhỏ nhất để niềm tin cho nhà đầu tư bằng cách bãi bỏ toàn bộ các thời hạn của giấy phép kinh doanh.

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế, VCCI

Nguyễn Minh Đức sinh ngày 22 tháng 7 năm 1987, tốt nghiệp đại học là cử nhân Luật và hiện đang là thành viên Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *