Góc nhìn 07/11/2020 15:56

Thách thức với tăng trưởng

Đỉnh tăng trưởng giảm dần trong 2 thập niên vừa qua, thập niên 2011-2020 còn 7,1% nên mục tiêu tăng trưởng 7% thập niên tới sẽ khó khăn nếu không có bứt phá.

TS Vũ Thành Tự Anh

Chuyên gia kinh tế - Đại học Fulbright Việt Nam

Việt Nam quyết định đi theo kinh tế thị trường nhưng chưa bao giờ đi hết con đường này một cách chân thành và trọn vẹn, dẫn đến tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra và ngày càng thấp. Đỉnh tăng trưởng giảm dần trong 2 thập niên vừa qua, thập niên 2011-2020 còn 7,1% nên mục tiêu tăng trưởng 7% thập niên tới sẽ khó khăn nếu không có bứt phá.

Sự tăng trưởng dài hạn của quốc gia phụ thuộc vào năng suất và khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra năng suất nhưng Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức. 

Trong đó, lực lượng lao động đang giảm dần, Việt Nam đã vượt qua đỉnh dân số vàng (2012-2014). Giai đoạn tới dân số già đi khiến tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động giảm đi. Nếu năng suất lao động không tăng thêm để bù đắp vào thì khó đạt tăng trưởng kinh tế 7%.

Khu vực tư nhân và nước ngoài ngày càng đóng vai trò trụ cột, hiện đang chiếm 90% lực lượng lao động, 80% giá trị sản xuất công nghiệp, 70% GDP và khoảng 65% tổng đầu tư xã hội.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân nội địa (với khoảng 750.000 doanh nghiệp) lại "thấp ổn định" trong 20 năm qua ở mức 10% GDP, tỷ trọng chưa bằng 1/2 khu vực FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài, khoảng 20.000 doanh nghiệp) và chưa bằng 1/3 của khu vực cá thể. 

Khu vực doanh nghiệp tư nhân rất nhiều về số lượng nhưng yếu về chất lượng. Nếu không cải thiện được vấn đề này thì triển vọng của kinh tế Việt Nam trong 10 năm tới sẽ không thể sáng sủa.

Có 4 rào cản dẫn đến bất cập trên, gồm: quyền sở hữu chưa được bảo vệ hữu hiệu, bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, sự nhũng nhiễu của bộ máy Nhà nước và cuối cùng là thiếu vắng các thể chế hỗ trợ thị trường có hiệu quả.

Bên cạnh đó, nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào FDI là điều rất khó chấp nhận, và nếu muốn tạo ra nội lực thì không thể phụ thuộc vào FDI như hiện nay. 

Lực lượng lao động tham gia công nghiệp chế tạo chế biến, gia công với giá trị thấp, kỹ năng thấp và rất khó để rút ra. Ngoài ra, tốc độ tăng năng suất lao động chỉ 2,2% nhưng tốc độ tăng lương tối thiểu tăng 10,2%. 

10 năm nữa chi phí lao động ở Việt Nam sẽ giống như Trung Quốc hiện nay. Lúc đó, Việt Nam không còn lợi thế lao động nữa.

Kinh tế cũng đang phụ phụ thuộc vào FDI và được thể hiện qua các con số: 70% kim ngạch xuất khẩu, 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% lao động...  Nghiêm trọng hơn, sự phụ thuộc này không phải ngắn hạn mà có tính cơ cấu, sẽ phụ thuộc trong trung hạn và dài hạn vì các doanh nghiệp Việt Nam không kết nối vào được chuỗi giá trị toàn cầu mà chỉ là nơi gia công.

Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu chính như điện thoại, linh kiện, điện tử, máy tính, giày da túi xách... nhưng nguyên liệu đầu vào lại phải nhập khẩu, như vậy doanh nghiệp Việt Nam được gì trong xuất khẩu?

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *