Góc nhìn 10/08/2018 18:38

Tấm gương mờ

Thị trường chứng khoán thường được ví như tấm gương phản ánh nền kinh tế. Vậy hiện nay tấm gương đó đang phản chiếu những gì? Có chính xác hay chưa? Liệu có kỳ vọng gì vào khoảng thời gian 4 tháng tới hay không?

TS. Nguyễn Hồng ĐiệpChuyên gia chứng khoán

Những con số biết nói

Để nói về nền kinh tế Việt Nam thì sẽ rất dài và mông lung, cho nên chúng ta sẽ đi trực diện vào những gì liên quan đến thị trường chứng khoán (TTCK). Vậy TTCK đang lo sợ điều gì? Nỗi lo lớn nhất hiện nay là những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại toàn cầu, mà điểm nóng nhất là Hoa Kỳ và Trung quốc. Cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng đến cán cân thương mại, xuất nhập khẩu trực tiếp của VN. Ngoài ra, việc FED đang và sẽ tiếp tục tăng lãi suất, làm đồng dollar mạnh lên, ảnh hưởng đến tỷ giá tiền đồng.

Tính đến hết tháng 7/2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 122,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại đang có thăng dư dương 2,54 tỷ USD. Đây là một tín hiệu đáng mừng nếu nhớ rằng trong 5 tháng đầu năm 2018, Việt Nam bị thâm hụt. Như vậy, trong kỳ tháng 6 và tháng 7/2018 đều đạt những con số rất khả quan. Nếu chiếu vào thời kỳ Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung quốc là vào tháng 7, thì chúng ta nhận thấy sự căng thẳng thương mại chưa ảnh hưởng đến Việt Nam. Cho dù cuộc chiến có thể tiếp tục leo thang, nhưng khả năng làm tiêu cực ngay là chưa thể xảy ra.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số PMI bật tăng cao, đứng đầu trong khối ASEAN. Dù kỳ tháng 7/2018 có giảm nhẹ, nhưng vẫn giữ ở mức rất cao là 54,9 điểm.

GDP Việt Nam sau 6 tháng 2018 tăng 7,08%, đạt kỷ lục trong 8 năm gần đây. Tất cả các dự báo của WB, HSBC, ADB, đều chung nhận định là Việt Nam có thể đạt GDP của cả năm 2018 là 6,8%-7,1%. Cùng đó, chỉ số CPI dù có lúc tăng cao, nhưng vẫn giữ được ở con số 3.29%. Khả năng cả năm dưới 4% vẫn khả thi. Tăng trưởng tín dụng đạt 6,35% sau 6 tháng. Tỷ giá dù có những lúc khá căng thẳng, nhưng kiểm soát trong tầm dưới 3% vẫn là mục tiêu trong tầm tay.

Về hoạt động doanh nghiệp, thì chỉ tính riêng các DN niêm yết trong nửa năm đầu 2018, tổng lợi nhuận đạt trên 130.000 tỷ, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Nếu xét tiêu chí tăng trưởng lợi nhuận làm đại lượng so sánh với tăng trưởng của chỉ số Vn-index, chúng ta sẽ thấy ngay sự bất cập.

Kết luận lại, bất chấp những lo ngại về chiến tranh thương mại, về tỷ giá, kinh tế Việt Nam đang thể hiện màu sắc tươi tắn, tính ổn định và tiềm năng tăng trưởng.

Những hạt bụi

Cho dù kinh tế vĩ mô có nhiều điểm sáng, nhưng thị trường chứng khoán lại không đồng pha. Vậy đâu là những hạt bụi, làm tấm gương chứng khoán bị mờ đi?

Đầu tiên, TTCK Việt nam dù đã có gần 20 năm, nhưng vẫn chỉ là "đứa trẻ". Với tính chất hơn 97% là các NĐT cá nhân, thị trường phát triển khá "rừng rú" và ngây thơ. Ở một thị trường chưa có nhiều phương tiện bảo hộ, sự hoang mang, tâm lý bất ổn là lẽ đương nhiên. Tính minh bạch không cao, lợi ích nhóm của một vài tổ chức, cá nhân còn thao túng được thị trường trong một giai đoạn nhất định.

Thứ hai là cũng vì đại bộ phận là các NĐT cá nhân, cho nên thực sự họ không biết nghe ai. Trình độ của nhiều Môi giới của các CTCK còn thấp, chủ yếu mua bán ngắn hạn qua các thông tin đồn đại, thậm chí được mội vài "đội lái" dẫn dắt, làm mất lòng tin của nhiều NĐT. Bên cạnh đó, sự nở rộ của các diễn đàn cũng mang lại sự nhiểu loạn nhất định. Rất nhiều chuyên gia "chém" như đúng rồi, với các hình vẽ chart xanh đỏ, chủ yếu xúi giục NĐT mua bán hàng ngày.

Thứ ba: không thể phủ nhận vai trò tích cực của chứng khoán phái sinh, nhưng nếu những người bê nguyên xi hình mẫu của Phái sinh từ các nước tiên tiến về Việt nam, thì quả là sai lầm. Người Á đông nói chung, người Việt nói riêng, rất "máu cờ bạc". Nếu một sản phẩm rất đơn giản, "dễ chơi", chỉ là đặt cửa trên hay cửa dưới, không cần tìm hiểu sâu xa về tính chất phòng ngừa trong đầu tư, thì với đại bộ phận NĐT cá nhân, có thể sẽ "xuống xác". NĐT Việt Nam khác phương Tây ở chỗ nếu bên kia, họ thua lỗ thì họ sẽ dừng lại, không chơi trò đó nữa. Còn chúng ta thì sẽ đổ thừa cho "tại xui thôi", làm lại ván mới. Cho dù 95% các NĐT chơi phái sinh đang thua lỗ, nhưng chợ vẫn tấp nập ! Ngoài ra, không loại trừ những yếu tố thao túng chỉ số để trục lợi.

Thứ tư là vấn đề dòng tiền. TTCK đã phát triển vượt bậc, tổng giá trị vốn hoá của các DNNY đạt 80% GDP, thế nhưng cơ sở hạ tầng, nguồn vốn đối ứng của các tổ chức làm dịch vụ chứng khoán còn chưa theo kịp. Mỗi khi thị trường tăng nóng, lại rộ lên vấn đề margin. Chỉ cần một vài động thái tái cơ cấu của một vài quỹ ngoại, là đã làm thị trường lung lay. Thị trường chưa đủ lớn, dòng tiền thực chưa đủ khỏe, để vượt qua những biến cố nhất thời.

Kỳ vọng

Với một nền kinh tế khá ổn định, có nhiều điểm tiến bộ, đặc biệt là những nỗ lực trong ngành ngân hàng, nhưng còn quá nhiều nhược điểm, làm mờ đi tấm gương của TTCK. Vậy đâu là kỳ vọng cho thị trường trong 4 tháng tới đây? Ai sẽ là những người lau tấm gương, làm sáng nó lên?

Thứ nhất: cá nhân tôi luôn tin tưởng là lãnh đạo chính phủ đều biết những vấn đề hiện nay. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng, đều đã từng có những trăn trở, tâm huyết với chứng khoán nước nhà. Hy vọng sau khi luật chứng khoán sửa đổi được thông qua, là kim chỉ nam cho NĐT, lấy lại lòng tin của thị trường.

Thứ hai: việc mới chỉ hoàn thành 19% kế hoạch cổ phần hoá năm 2018, kỳ vọng sẽ có những thúc đẩy mạnh và nhanh hơn trong thời gian tới. Mà không chỉ việc bán vốn Nhà nước mang lại cơ hội cho đầu tư, mà đó còn là động lực để thị trường tăng trưởng. Nói cho cùng, ai cũng muốn bán tài sản với giá tốt nhất, đặc biệt là nhà nước. Bài học về đợt thoái vốn mạnh cuối năm ngoái vẫn còn nguyên.

Thứ ba: các CTCK cũng dần nhận thức được những yếu điểm về dịch vụ của mình. Chất lượng tư vấn, tri thức đội ngũ nhân sự, đang dần được cải thiện. Hiện đã có những Bản tin rất chất lượng từ một vài thủ lĩnh trong khối CTCK, dù mới chỉ gửi cho khách VIP. Nhưng hy vọng, những bản tin, những Báo cáo chất lượng tốt, mang tính định hướng cho NĐT sẽ ngày càng có nhiều hơn.

"Gương kia ngự ở trên tường,

Thế gian ai đẹp được dường như ta,

Ngày xưa bà đẹp nhất trần,

Ngày nay chứng khoán muôn phần đẹp hơn"

Chúng ta hãy cùng hy vọng, cùng góp một phần nhỏ bé để làm sạch, làm sáng hơn tấm gương chứng khoán, xứng đáng là sự phản chiếu cho nền kinh tế.

Chủ đề: thị trường chứng khoán Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *