Góc nhìn 15/08/2020 12:28

Tại sao Vietnam Airlines lỗ dự kiến 12.000 tỷ đồng?

Vietnam Airlines (VNA) có vốn cổ phần 31/12/2019 là 14.183 tỷ đồng, mà dự kiến lỗ năm 2020 có thể lên đến 12.000 tỷ đồng. Nếu lỗ vậy, gần như chỉ một năm là lỗ hết vốn.

Ngô Văn Tuyển, Chuyên gia kinh tế

Lãi hợp nhất VNA 2019 sau thuế đạt 2.516 tỷ đồng, nếu sau này duy trì được mức lãi 2019 thì phải hoạt động liên tục 5 năm mới bù được số lỗ chỉ 1 năm. Thế nhưng mới đây, trong Đại hội cổ đông năm 2020, VNA đã công bố mức lỗ lên tới 15.000 tỷ đồng.

Tại sao chỉ vì Covid-2019 mà có thể lỗ lớn như thế? Qua số liệu kết quả hoạt động 2019 của VNA có thể thấy chi phí nhân công xấp xỉ12 nghìn tỷ đồng, khấu hao khoảng 5 nghìn tỷ đồng, lãi vay khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/năm. Giả sử không làm gì và vẫn phải duy trì đội ngũ lao động với trả lương bằng một nửa thì đúng là lỗ khủng ở mức như vậy.

Trường hợp duy trì bay với những chuyến bay rỗng (ít khách) mới kinh hoàng. Bởi vì chi phí nguyên vật liệu thường chiếm đến gần 40% doanh thu và chi phí dịch vụ mua ngoài như sửa chữa, thuê máy bay, dịch vụ khác chiếm khoảng 35% doanh thu lúc bình thường.

Thiết lập cuộc sống bình thường mới mà không bay thì thảm cảnh VNA sẽ là như thế. VNA có vốn nhà nước chiếm 86,19%, hãng hàng không Nhật Bản ANA chiếm 8,77% còn lại là các cổ đông khác. Các hãng khác không có vốn nhà nước nếu vẫn duy trì hoạt động cầm chừng dù cắt giảm được nhân công tối đa thì cũng sẽ lỗ theo các chi phí tương tự như vậy.

Nói 2020 VNA cần hỗ trợ 12.000 tỷ đồng không phải để bù cho số lỗ ấy (vì khấu hao thì không cần tiền) mà là để cân đối dòng tiền cho hoạt động. VNA là công ty cổ phần, nhà nước không tự nhiên dễ dàng mà góp vốn thêm hoặc mua lại công ty. Lúc này nhà nước chỉ có thể đơn giản cho vay nếu ngân sách có thể cân đối.

Thời Covid chẳng doanh nghiệp nào có thể nói mạnh được. Lãi tưng bừng những năm trước đó nhưng lỗ một năm là cũng có thể phá sản. Trong cả nền kinh tế, doanh nghiệp dù bé đến đâu cũng có một phần đóng góp, thì khi nó phá sản cũng tác động ở mức độ như vậy. Giúp được cho bất cứ doanh nghiệp nào cũng là tốt, nhưng cần quan tâm cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Giúp cũng không hẳn có nghĩa là cho không.

Thông thường khi khó khăn thì đòi hỏi nhà nước tiết kiệm chi tiêu, người dân có tiền dự trữ thì lo cất giữ để dành phòng khi khó khăn. Thế nhưng nền kinh tế lúc này lại cần chi tiêu. Chỉ có điều lúc này chi tiêu của nhà nước cần vào những hạng mục có hiệu quả. Đôi khi phát tiền cho dân tiêu lại tác động vào nền kinh tế tốt hơn là chi tiêu những thứ lãng phí. Đổ ngoại tệ nhập vàng và người dân đổ xô đi mua vàng cất giữ lúc này càng làm cho nền kinh tế khốn khó.

Tình trạng kinh tế thời Covid sẽ vẫn còn khó khăn dai dẳng. Ta cứ nói Việt Nam ta có truyền thống đoàn kết vượt khó, thương yêu nhau lúc hoạn nạn. Các bạn tôi nhất là những nhà báo lúc này viết về những vấn đề kinh tế, những vấn đề của doanh nghiệp càng cần sự tìm hiểu cặn kẽ với một tấm lòng cảm thông nhiều hơn. Đằng sau bất cứ một doanh nghiệp nào cũng là bao nhiêu lao động và cuộc sống của bao gia đình.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *