Góc nhìn 02/07/2018 07:57

Phát triển kinh tế và an ninh quốc gia

Luật Đặc khu được đặt ra để phát triển kinh tế. Hầu hết (không phải tất cả) các ý kiến phản đối nó đều xoay quanh những lý do an ninh quốc phòng.

Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI

 

Đầu tiên phải khẳng định, muốn phát triển kinh tế, Việt Nam buộc phải hội nhập. Hội nhập tức là buộc phải chấp nhận hàng hoá nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài, nhà thầu nước ngoài, lao động nước ngoài, khách du lịch nước ngoài, máy móc, công nghệ nước ngoài, thậm chí cả văn hoá nước ngoài vào Việt Nam. Đương nhiên, trong quá trình hội nhập đó, những vấn đề về an ninh quốc gia sẽ nảy sinh.

Giải quyết vấn đề mâu thuẫn giữa khuyến khích phát triển kinh tế với an ninh quốc gia không phải là điều dễ dàng. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, mâu thuẫn này được giải quyết một cách tệ hại.

Đạo luật đáng ra phải làm được điều đó là Luật An ninh quốc gia thì lại chỉ “tủn mủn” câu chuyện trao quyền cho lực lượng an ninh bằng những ngôn từ rất mơ hồ. Trong khi những nguy cơ mất an ninh quốc gia từ hoạt động kinh tế đã không được đề cập.

Khi đấu thầu, vì lợi ích kinh tế, chúng ta sẽ luôn ưu tiên lựa chọn nhà thầu có năng lực cao nhất, phương án kỹ thuật tốt nhất và giá thấp nhất. Nhưng chúng ta sẽ làm thế nào nếu nhà thầu tốt nhất đó lại là một doanh nghiệp quân đội của một quốc gia khác? Hãy thử tưởng tượng đó là một dự án nhà máy năng lượng trọng điểm, một hệ thống cáp viễn thông, hay trụ sở của một cơ quan nhà nước quan trọng.

Khi cấp phép đầu tư, chúng ta đã tính toán kỹ, đã lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, đến từ quốc gia thân thiện, dự án có khả năng tạo việc làm, không ô nhiễm. Nhưng chúng ta sẽ làm thế nào nếu nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp phép lại bán dự án (hoặc công ty mẹ của dự án) cho một nhà đầu tư đến từ quốc gia có xung đột với Việt Nam? Đặc biệt là khi dự án này lại sử dụng đất ở những khu vực nhạy cảm về an ninh như các tuyến đường huyết mạch, khu vực biên giới.

Cách làm của Việt Nam hiện nay là “ẩn” dưới những dạng giấy phép khác. Ví dụ, để được cấp phép đầu tư thì phải nộp hồ sơ và được thẩm định. Trong quá trình thẩm định thì các cơ quan cũng sẽ cân nhắc cả yếu tố về an ninh quốc phòng, và nếu thấy có nguy cơ về an ninh thì sẽ viện ra một lý do khác để từ chối.

Phải thừa nhận, cách làm này cũng có hiệu quả nhất định, song cũng có nhiều bất cập.

Thứ nhất, nó phụ thuộc hoàn toàn vào cán bộ thực thi, nếu cán bộ thực thi tắc trách hoặc vì động cơ cá nhân thì có thể bỏ qua nguy cơ an ninh quốc phòng này, mà không hề phải chịu trách nhiệm.

Thứ hai, vì nó không minh bạch nên đôi khi cơ chế này được lợi dụng để vòi vĩnh, kiếm tiền hối lộ chứ không phải là vì lợi ích an ninh quốc gia. Cơ chế này trở thành mồi ngon cho tham nhũng.

Thứ ba, cơ chế này vẫn phải dựa vào ít nhất một thủ tục hành chính. Nếu nguy cơ mất an ninh quốc gia đến từ những giao dịch, hành động thuần tuý dân sự (không phải làm thủ tục với nhà nước), hoặc đã qua thủ tục thì chúng ta cũng không thể bỏ được.

Đáng ra, Luật An ninh quốc gia phải giải quyết được những vấn đề này bằng cách liệt kê những khu vực không được cấp đất cho doanh nghiệp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài; liệt kê các khu vực nhạy cảm cấm đầu tư kinh doanh một số ngành nghề có nguy cơ cao về an ninh; liệt kê những loại dự án hạn chế nhà thầu, người lao động đến từ một số quốc gia có xung đột với Việt Nam; liệt kê những giao dịch mua bán dự án, giao dịch mua bán cổ phần, góp vốn mà Toà án Việt Nam được quyền bác vì lý do an ninh quốc phòng.

Cứ làm minh bạch như vậy thì dân mới tin rằng chính quyền thực sự muốn và đủ sức bảo vệ được an ninh quốc gia.

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế, VCCI

Nguyễn Minh Đức sinh ngày 22 tháng 7 năm 1987, tốt nghiệp đại học là cử nhân Luật và hiện đang là thành viên Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *