Góc nhìn 09/02/2019 13:44

Nông dân phải tự cứu mình

Thương lái, doanh nghiệp có thể xoay xở, chèo chống hay bỏ cọc ... nhưng nông dân cả gia sản đổ vào ruộng vườn cần phải TỰ THAY ĐỔI.

Qui định về mã vùng trồng (mã vườn); mã xưởng (nơi đóng gói) của hoa quả Việt Nam nhập vào Trung quốc là qui định bắt buộc không thể chủ quan. 

"Việc đăng ký và kiểm soát vùng trồng với nước nhập khẩu được thực hiện bởi Cơ quan Bảo vệ thực vật Quốc Gia" .Việc cấp bách hiện nay "Cần thay đổi phương thức đăng ký và kiểm soát mã số vùng trồng, mã xưởng đóng gói" - đó là uy tín quốc gia !

Thương lái, doanh nghiệp có thể xoay xở, chèo chống hay bỏ cọc... nhưng nông dân cả gia sản đổ vào ruộng vườn cần phải TỰ THAY ĐỔI. 

Hiện nay Trung Quốc đã áp dụng qui định này với sản phẩm trong nước, các vùng sản xuất trọng điểm họ đã thay đổi rất nhanh. Vì thế việc quản lý chặt hàng nhập khẩu là chuyện tất yếu. 

Nhìn vào một số tiêu chí để cấp mã số cho vùng trồng do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ nông nghiệp) thông báo thì không thể không lo lắng. Với danh sách các vùng trồng đã được cấp, cho thấy sản lượng quá ít so với thực tế xuất khẩu. 

Cách làm chống đối hiện nay: các đơn vị xuất khẩu (nhất là tiểu nghạch theo diện cư dân biên giới) hầu hết đều lấy các mã có trong danh sách được Trung Quốc chấp nhận dán lên bao bì (dù không phải hàng hóa thu mua từ cơ sở đó). Đây là hành vi giả xuất xứ/ gian lận thương mại. Hoặc cơ sở có được cấp mã số vùng trồng/ mã số xưởng đóng gói, số lượng có hạn nhưng thu mua và xuất khẩu thì vô hạn (rất chủ quan). 

Tới đây Trung Quốc sẽ mở cửa cho hàng loạt nông sản của Việt Nam được phép nhập khẩu, đồng nghĩa với nhiều cơ hội để hàng hóa đi vào cửa chính. Nhưng bên cạnh đó việc áp dụng qui chuẩn mã số vùng trồng và mã xưởng đóng gói sẽ được siết chặt dần. 

Lưu ý: Trung Quốc rất gần Việt Nam, họ cũng rất hiểu cách làm gian lận của Việt Nam; ứng dụng CNTT vào quản lý dữ liệu của Trung Quốc đã khá hiện đại, kiểm soát khá chặt chẽ. Khi mã số vườn cấp cho một điện tích nhất định thì tương đương sẽ là sản lượng nhất định... không khó khăn để họ nhìn ra sự gian lận. 

Án tại hồ sơ: mã vùng/ mã xưởng đã đăng ký trên hệ thống Hải quan Trung Quốc sẽ được dùng để đối chiếu với khai báo Hải quan khi hàng nhập khẩu. Họ có thể ngừng cho phép nhập khẩu hoặc thu giữ hàng hóa gian lận hoặc xử lý hình sự với đơn vị nhập khẩu hàng gian lận xuất xứ... ảnh hưởng trực tiếp tới mã số của người được cấp tại Việt Nam. 

Và khi đó thương lái/ doanh nghiệp XNK có thể mất một lô hàng, họ có thể không dùng pháp nhân đó XK, bỏ cọc với nhà vườn .. Nhưng hàng hóa có thể bị đình trệ, nông dân có thể bị khủng hoảng... hệ lụy khôn lường. 

Trung Quốc đang là thị trường chính của nông sản Việt Nam, nhưng chúng ta cũng đang bị cạnh tranh gay gắt với hàng hóa từ các nước ASEAN và hàng sx ngay tại TQ với sản lượng ngày càng cao, giá rẻ. Đây sẽ là rào cản lớn nhất với nông sản Việt Nam. 

Tự thay đổi phù hợp thông lệ quốc tế để hội nhập, hiện nay hầu hết các nước đều tiến tới kiểm soát gắt gao tiêu chuẩn nông sản nhập khẩu. Và người tiêu dùng nội địa cũng cần yêu cầu này. 

Ngoài ra làm chuẩn và minh bạch là cách tự bảo vệ mình. Các cơ sở sản xuất được cấp mã số vùng / mã xưởng có quyền khiếu nại đến các cơ quan quản lý lưu thông / XNK hàng hoá ( Thuế, Hải quan, Quản lý thị trường, Cục Bảo vệ thực vật) khi bị lợi dụng.

CÁC TIÊU CHÍ ĐỂ CẤP MÃ SỐ CHO VÙNG TRỒNG

1. Yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân xin cấp mã số
- Tổ chức, cá nhân xin cấp mã số cho vùng trồng trái cây xuất khẩu phải gửi những bộ hồ sơ bao gồm những loại giấy tờ sau đây đến cơ quan Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu - Cục Bảo vệ thực vật: (1) Đơn xin cấp mã số vùng trồng; (2) Đối với doanh nghiệp, gửi đầy đủ thông tin cần thiết của người đại diện công ty (chứng minh thư (hộ chiếu), giấy đăng ký kinh doanh của công ty) với bản sao có công chứng; (3) Thông tin về người đại diện của vùng trồng xin cấp mã số (chứng minh thư (hộ chiếu), giấy chứng nhận qua lớp tập huấn về VietGAP) với bản sao có công chứng; (4) Giấy chứng nhận VietGAP cho vùng trồng xin cấp mã số (nếu có).

2. Yêu cầu diện tích và điều kiện canh tác trong vùng trồng
- Diện tích vùng trồng có thể dao động từ 6 – 10 ha/mã; không được quá 12 ha/ mã để tiện cho việc quản lý;
- Vùng trồng trái cây xuất khẩu có thể không có chứng nhận VietGAP hoặc chứng chỉ tương đương (GlobalGAP….) nhưng việc canh tác trong vùng phải tuân theo quy trình VietGAP hoặc các quy trình tương đương.
- Vùng trồng xin cấp mã số phải là vùng sản xuất tập trung, không có nhà dân hoặc chợ, chăn thả gia súc, gia cầm trong bên trong vùng trồng.
- Vùng trồng xin cấp mã số phải trồng duy nhất 1 loại giống cây ăn quả.
- Không trồng xem các loại cây trồng cùng họ với cây trồng chính hoặc các cây ký chủ của các loài dịch hại là đối được KDTV của nước nhập khẩu theo kết quả của báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại (PRA).

3. Yêu cầu về sổ sách ghi chép
-Tổ chức, cá nhân đăng ký xin cấp mã số phải có sổ sách để đảm bảo việc ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong 1 vụ canh tác (đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc…) phải được ghi lại đầy đủ, rõ ràng.
- Nếu vùng trồng gồm nhiều hộ gia đình thì mỗi hộ trong vùng trồng phải có 1 quyển sổ ghi chép, người đại diện của vùng trồng phải có trách nhiệm tổng hợp thông tin từ sổ ghi chép của từng thành viên trong mã số và ghi lại vào sổ chính để trình cơ quan quản lý khi được yêu cầu.
- Yêu cầu về sổ sách là rất quan trọng nhằm phục vụ cho công tác giám sát, duy trì mã số cũng như truy xuất nguồn gốc khi trái cây có vấn đề ở nước nhập khẩu (dư lượng thuốc, dịch hại….).

4. Yêu cầu về vệ sinh trên đồng ruộng
- Xung quanh và bên trong vùng trồng phải sạch cỏ dại, đặc biệt là bao bì, chai lọ, túi nilon thuốc BVTV, phân bón, hoặc các loại giấy rác khác.
- Phải có 1 khu vực riêng để tập kết và tiêu hủy bao bì, chai lọ, túi nilon thuốc BVTV, phân bón, hoặc các loại giấy rác của cả vùng trồng.

5. Yêu cầu về thành phần dịch hại trong vùng sản xuất
- Cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành điều tra, thu mẫu và giám định thành phần dịch hại đang có trên vùng trồng trái cây xuất khẩu.
- Vùng trồng trái cây chỉ được cấp mã khi không có loài dịch hại nào là đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) của nước nhập khẩu theo kết quả của báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại (PRA) hoặc tổ chức/cá nhân xin cấp mã phải có biện pháp kiểm soát và phòng trừ đảm bảo loài dịch hại đó không xuất hiện trên đồng ruộng. Cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ để giám sát vấn đề dịch hại.

6. Yêu cầu về sử dụng thuốc BVTV trong vùng trồng xuất khẩu
- Vùng trồng trái cây xuất khẩu phải sử dụng 1 bộ thuốc BVTV (thuốc trừ bệnh, trừ sâu và thuốc cỏ) đảm bảo không chứa các hoạt chất hóa học mà nước nhập khẩu cấm sử dụng.
- Bộ thuốc sử dụng này phải được sự xác nhận của Chi cục Trồng trọt & BVTV địa phương.
(Nguồn http://www.quangninh.gov.vn)  

Tự thay đổi là yêu cầu bắt buộc với nông dân, vì chính chúng ta là người sx hàng hóa, chúng ta muốn bán hàng, chúng ta phải tuân thủ. Chúng ta không tuân thủ chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi và rủi ro hiện hữu.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *