Góc nhìn 02/11/2020 07:45

Nỗi đau giao thông

Mỗi một ngày có hàng chục nỗi đau gào thét của tai nạn giao thông mà người ta đã không còn nghe, không còn thấy. Thiên tai là do trời, nhưng tai nạn trên đường lại chỉ do người. Vì đâu và vì sao?

Ông Ngô Văn Tuyển, Chuyên gia kinh tế

Phải làm gì để cải thiện giao thông và hạn chế tai nạn giao thông?

(1) Đường giao thông 2 chiều với đủ ô tô, xe máy, xe đạp, người đi bộ và cả súc vật chạy ra đường thì dù tốc độ tối đa 80 km/h hay giới hạn 50 km/h cũng khó mà hạn chế được tai nạn. Vì đâu mà bao năm nay đầu tư công không làm nổi con đường cao tốc Bắc - Nam. Con đường này còn không làm nổi thì tốc độ cải thiện các con đường khác đến bao giờ.

(2) Có đất nước nào mà nhà dân cứ bám dọc theo quốc lộ, chứ chưa nói là tỉnh lộ, huyện lộ. Có ở đâu mà các biển hiệu dân sinh bám dọc theo đường làm nhiễu loạn thị giác và khả năng nhận biết các biển báo giao thông. Có ở đâu mà khẩu hiệu treo dọc, chăng ngang, đèn hoa loè loẹt biến đường giao thông thành phố hiệu. Tất cả là do con người, bởi con người cả. Bao giờ nhận thức mới mở mắt bằng được người ta.

(3) Tàu hoả đường đơn khổ hẹp từ thời đế quốc phong kiến mà sao không làm nổi song hành, khổ rộng. Làm được đường bình thường để cho cả chở người, chở hàng 100 km/h đã rồi hãy mơ cao tốc chỉ chở người 300 km/h. Đường sắt cùng với đường bộ được cải thiện thì người ta cũng sẽ hạn chế chạy xe cá nhân, không chạy xe máy đường dài, giảm bớt mật độ đường bộ thì sẽ giảm được tai nạn giao thông.

(4) Đường bộ tốc độ 80 km/h hay cao tốc từ 100 km/h trở lên mà ô tô không đảm bảo an toàn kĩ thuật thì tai nạn luôn thường trực. Niên hạn sử dụng quy định cho xe khách, xe tải mà không hợp lý thì sẽ chẳng thể an toàn. Kiểm tra xe quá tải phải xác định là vì an toàn kĩ thuật xe chứ không phải vì lo phá đường. Đăng kiểm mà chỉ lo qua sát hạch chứ không ý thức an toàn xe thì sẽ còn nhiều thủ thuật để đưa xe không đảm bảo kĩ thuật ra đường.

(4) Xe chạy trên đường mà bất chấp kĩ thuật an toàn chạy xe thì hoặc là không được đào tạo đến nơi đến chốn, hoặc là đạo đức chẳng coi ai ra gì thì đều là mầm mống của tai nạn. Học lái xe ngày trước phải học đạo đức người lái xe, học lý thuyết, học số nguội, số nóng, chạy trong bãi mấy tháng mới được chạy ra đường. Giờ đào tạo lái xe chỉ hôm trước hôm sau đã chạy ra đường. Dạy như thế thì có những lỗi như đánh máy mổ cò 10 năm cũng vẫn phải nhìn bàn phím.

(5) Chẳng có nước nào mà CSGT có mặt với mật độ dày đặc ở các cung đường như ở ta. Vi phạm luật thì phải phạt, nhưng bao giờ thủ tục nộp phạt còn khiến lái xe kinh hoàng mà phải đưa tiền cho nhanh thì ý nghĩa của nộp phạt chẳng có gì tích cực và tử tế. Biển báo không hợp lý, không đầy đủ, không rõ ràng chỉ làm mồi cho vi phạm và phạt những người lái xe vốn nghiêm chỉnh thì chỉ gây tâm lý ức chế, nặng nề trên đường.

(6) Ô tô cá nhân dù không khuyến khích tiêu dùng do hạ tầng giao thông không đáp ứng được mật độ cao thì ở phương diện an toàn vẫn hơn hẳn chạy xe hai bánh. Thuế tiêu thụ đặc biệt quá cao, phí trước bạ quá cao mà tiền thu được không phải dành cho phát triển hạ tầng giao thông thì việc thu thuế chỉ là nhằm thu được nhiều thuế cũng như thu phí môi trường rất lớn qua xăng mà chẳng giúp gì cải thiện môi trường.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *