Góc nhìn 16/08/2018 08:13

Những nỗi đau nặng gánh “nghìn tỷ”

Không phải vì tư nhân tham gia thì không có thua lỗ, nhưng khi đầu tư bằng đồng tiền xương máu của họ, chắc chắn dự án sẽ có hiệu quả hơn. Và người dân cũng chẳng còn phải băn khoăn thêm rằng, bao nhiêu sự thất thoát đã “chui” vào túi ai?!

Nhà báo Bích Diệp

“Công ty mẹ hoạt động kinh doanh thua lỗ, chưa bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước” – đây là nội dung báo cáo của ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) tại buổi làm việc với Kiểm toán Nhà nước tuần qua.

Nguyên nhân của tình trạng này đó là do Vinachem phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính của 4 công ty thua lỗ: Đạm Ninh Bình, Đạm Hà bắc, DAP – Vinachem và DAP số 2 – Vinachem. Đây cũng là 4 “cục nợ” trong danh sách 12 dự án nghìn tỷ làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả mà Chính phủ đang phải nỗ lực tái cơ cấu, con số này chiếm tỷ trọng 1/3!

Vừa mới được điều động giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV Vinachem hồi tháng 2 đầu năm nay, ông Nguyễn Phú Cường đương nhiên không phải chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh tệ hại đó của tập đoàn. Song, trên cương vị người đứng đầu doanh nghiệp, nhìn vào bức tranh tài chính như trên, khó có ai mà “ngẩng đầu” nổi!

Nối tiếp những “quả đấm thép” một thời như Vinashin, Vinalines… Vinachem tiếp tục là một ví dụ đầy thất vọng cho khối doanh nghiệp Nhà nước – vốn nhận được nhiều kỳ vọng cùng vô số quan tâm, ưu ái trong chính sách.

Có câu “thương trường là chiến trường”, không thể đổ lỗi mọi thất bại của các “ông lớn” cho ban lãnh đạo, và cũng không nên vội đánh giá năng lực của họ là “yếu kém”. Kinh doanh lãi – lỗ là chuyện thường tình, không ai có thể tự tin không để xảy ra thua lỗ cho doanh nghiệp khi bắt tay vào quản trị, điều hành. Trong môi trường cạnh tranh bất lợi, chúng ta cũng đã chứng kiến không ít tập đoàn tư nhân lớn phải lao đao, thậm chí phải bán mình cho đối thủ.

Trước đại hội đồng cổ đông, không ít vị Chủ tịch Hội đồng quản trị đã phải thừa nhận rằng, họ cảm thấy “xấu hổ”, “có lỗi”… Nhiều vị trong đó đã phải dùng toàn bộ gia sản của mình để cấn trừ công nợ, trong đó có nợ vay ngân hàng, nợ hàng đối tác.

Song thú thật là… chẳng mấy khi người viết thấy có vị lãnh đạo DNNN nào… xin lỗi, dù rằng, thực tế đã không ít Chủ tịch, Tổng giám đốc DNNN phải trả giá cho sự tắc trách, cho sai lầm của họ. Chẳng hạn như trường hợp Vinachem thì ông Nguyễn Anh Dũng – cựu Chủ tịch HĐTV tập đoàn này đã bị cách hết mọi chức vụ trong Đảng do sai phạm trong quản lý.

Theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thì ông này phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng uỷ Tập đoàn nhiệm kỳ 2010 - 2015; thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, quản lý vốn, tài sản đầu tư của tập đoàn, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Ông Dũng cũng đã thiếu kiểm tra để xảy ra vi phạm nghiêm trọng tại 4 dự án phân đạm của Vinachem khiến tập đoàn này có nguy cơ mất 4.200 tỷ đồng.

Những con số “trăm tỷ”, “nghìn tỷ” hẳn cũng không còn “lạ tai” với các độc giả khi nói về thua lỗ, yếu kém của một số DNNN, cho dù, thu nhập bình quân đầu người ở nước ta cả năm cũng mới chỉ mon men ngưỡng 40 triệu đồng.

Song, bởi là tiền Nhà nước, tiền ngân sách, không gắn liền khúc ruột, nên có lẽ nếu mấy năm gần đây không xảy ra hàng loạt vụ thất thoát lớn và nhiều lãnh đạo DNNN đã bị “sờ gáy” thì chắc là cũng ít vị nào cảm thấy xót, cảm thấy đau. Bằng chứng là có những vị ngay cả khi để xảy ra thua lỗ nhưng vẫn được cơ cấu để thăng tiến lên những vị trí cao hơn mà Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ điển hình.

Chính bởi thực tế đó, nên hơn bao giờ hết, sự rút lui của Nhà nước khỏi những lĩnh vực, ngành nghề không cần thiết nắm giữ càng trở nên bức thiết. Không phải vì tư nhân tham gia thì không có thua lỗ, nhưng khi đầu tư bằng đồng tiền xương máu của họ, chắc chắn dự án sẽ có hiệu quả hơn. Và người dân cũng chẳng còn phải băn khoăn thêm rằng, bao nhiêu sự thất thoát đã “chui” vào túi ai?!

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *