Góc nhìn 18/11/2018 13:24

Nhân dân ở đâu trong luật đầu tư công?

Nghe các vị đại biểu Quốc hội bàn về Luật Đầu tư công mà tôi có chút thất vọng.

Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế VCCI

Hình như không ai học được gì từ vụ nhà hát Thủ Thiêm. Đây không phải là vấn đề của một cái nhà hát 1500 tỷ, không phải là vấn đề của riêng TPHCM, mà đó là vấn đề của một cơ chế đầu tư công không phản ánh được nhu cầu của người dân.

Chúng ta vẫn có những nhà hát bỏ hoang, những bảo tàng không có hiện vật, những con đường không có người đi... Nhưng mặt khác, chúng ta vẫn có những con đường rùa bò, bệnh viện quá tải, trường học 70 em một lớp... Tất cả những cái đó phản ánh một hệ thống phân bổ tiền đầu tư không vì dân. Rồi đến khi dư luận đặt câu hỏi thì tất cả đều đúng quy trình, đơn giản vì trong cái quy trình đó, không có người nộp thuế.

Trong mọi trường hợp, luôn luôn phải tâm niệm rằng, tiền đầu tư công là tiền thuế của dân. Bất kỳ người dân nào nộp thuế, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều có quyền được biết, được bàn và được kiểm tra các dự án đầu tư công. Ấy thế mà, đạo luật này gần như đã gạt nhân dân ra khỏi việc quyết định đầu tư cái gì, đầu tư như thế nào và đầu tư cho ai.

Tôi thực sự “shock” khi đọc Điều 78 của Luật này. Theo đó, các dự án đầu tư công chỉ được lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án, và hình thức lấy ý kiến thì cơ quan Nhà nước tự quyết định. Đọc qua quy định này đã thấy nó vô dụng!

Việc xin ý kiến của dân cư nơi thực hiện dự án chủ yếu nhằm xác định tác động về đất đai, môi trường, sinh kế của cộng đồng. Chứ việc lấy ý kiến này không trả lời được câu hỏi: Dự án đó có cần thiết không? Có thiết thực không? Hay là đang lãng phí tiền thuế? Dân trong vùng dự án mà được đền bù giá đất cao thì họ ủng hộ, bất kể dự án đó là xây trường học hay sân phóng tàu vũ trụ. Lấy cái đó ra để bảo là dân đồng tình ư?

Vậy nên, cách tốt nhất là yêu cầu mọi dự án đầu tư, trừ trường hợp bí mật hoặc khẩn cấp, đều phải đăng tải toàn bộ tài liệu đề xuất dự án lên website của bộ hoặc tỉnh trong vòng ít nhất 60 ngày trước khi phê duyệt chủ trương. 

Dự án phải được lấy ý kiến các tổ chức xã hội, các hiệp hội doanh nghiệp, người dân địa phương. Mọi ý kiến góp ý đều phải được tổng hợp, tiếp thu hoặc giải trình, và được gửi kèm trong hồ sơ cho người thẩm định và phê duyệt. Kết quả phê duyệt dự án phải được công khai trên website của bộ hoặc tỉnh.

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế, VCCI

Nguyễn Minh Đức sinh ngày 22 tháng 7 năm 1987, tốt nghiệp đại học là cử nhân Luật và hiện đang là thành viên Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *