Góc nhìn 26/07/2020 08:56

Luật Doanh nghiệp có thắp lên ngọn lửa cải cách?

Là cơ quan soạn thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quan điểm thế nào khi quy định về hộ kinh doanh đã bị Quốc hội bỏ ra khi thông qua Luật Doanh nghiệp?

Nhà báo Hoàng Tư Giang

Phải thú thật, tôi đã do dự nhưng rồi vẫn đặt ra câu hỏi trên trong buổi họp báo cuối tuần rồi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để giới thiệu 3 luật sửa đổi vừa được thông qua là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Do dự là ở chỗ, câu hỏi đó có thể bị hiểu là mang tính ‘truy bức’ và không mang lại sự dễ chịu trong cuộc họp báo giới thiệu về sự thành công của các luật được Bộ tổ chức lần đầu tiên trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, là nhà báo đã theo dõi luật này từ những năm 2000, tôi có lý do để đặt câu hỏi.

Luật Doanh nghiệp là một trong những luật mang lại thành công nhất về kinh tế khi thắp lên ngọn lửa cải cách “người dân được làm những gì pháp luật không cấm”. Hơn nữa, kinh nghiệm ở nền kinh tế chuyển đổi của nước ta, nơi trước đây chỉ có 1 thành phần rồi nay có thêm nhiều thành phần, cho thấy, Nhà nước rút khỏi thị trường đến đâu là người dân và doanh nghiệp có cơ hội phát triển tươi tốt, thịnh vượng đến đấy.

Từ góc độ đó, đưa hộ kinh tế gia đình vào Luật, có nghĩa là đưa 5,4 triệu hộ đang tạo ra hơn 30% GDP của đất nước, vào vòng quản lý của nhà nước khéo thành ra lợi bất cập hại, có thể siết chặt thay vì ‘kiến tạo’ cho họ. Họ sẽ phải tốn kém nhiều chi phí và công sức để hoàn thành thủ tục đăng ký, quy chuẩn hóa đơn, cũng tuân thủ nhiều quy định khác, tức là gánh thêm nhiều chi phí mà chưa kể đến khả năng bị vòi vĩnh khi không tuân thủ các quy định đó. Ngay trên Tuần Việt Nam đã có nhiều tiếng nói của những bậc “trưởng thượng” từng hình thành nên luật cải cách này như ông Trần Xuân Giá, ông Lê Đăng Doanh, ông Nguyễn Đình Cung và nhiều người khác. Liệu ngọn lửa cải cách mà luật này thắp lên có bị nhòa đi?

Tất nhiên, câu hỏi đó không được trả lời, nhưng, cũng không quan trọng nữa. Quan trọng là Luật Doanh nghiệp 2020 này sẽ mang lại tinh thần cải cách gì cho người dân và doanh nghiệp?

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thay đổi lớn nhất trong luật này là quản trị công ty. Điều này khá là kỹ thuật nhưng có tác động thay đổi bản chất trong hoạt động doanh nghiệp, hay nói nôm na là khi doanh nghiệp có cơ chế quản trị tốt sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Họ tin họ sẽ đến và ngược lại.

Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2020 bãi bỏ toàn bộ thủ tục hành chính về dấu, có nghĩa doanh nghiệp có thể quyết định hoàn toàn về con dấu, kể cả dấu truyền thống và dấu số. Doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh trong môi trường số, thay vì tình trạng “nửa nạc, nửa mỡ” hiện nay, khi doanh nghiệp nộp hồ sơ qua mạng và khi lấy giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì mang bộ hồ sơ giấy đến.

Điều đáng nói là Luật Doanh nghiệp 2020 có thể làm tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp mới không, thì theo một chuyên gia kỳ vọng, dư địa để đăng ký kinh doanh hiện nay chỉ còn 3 ngày, thực tế ghi nhận là 2 ngày. Giờ chúng ta có cải cách xuống 1 ngày thì cũng không phải là động lực để thành lập doanh nghiệp nữa.

Song, tác động của Luật Doanh nghiệp sắp tới vẫn sẽ mạnh mẽ vì có ưu điểm lớn. Quá trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam còn 8 thủ tục và 16 ngày. Với các cải cách như loại bỏ thủ tục về dấu, miễn thuế môn bài trong năm đầu tiên thành lập, và nghị định "một cửa" đang trình chính phủ về việc khi đăng ký doanh nghiệp thì thực hiện luôn đăng ký lao động và bảo hiểm nếu được Chính phủ ký thì thủ tục gia nhập thị trường của Việt Nam chỉ còn khoảng 6 ngày.

Cũng theo chuyên gia này, Chính phủ đặt mục tiêu phải tăng khởi sự kinh doanh hơn 30 bậc trên bảng xếp hạng của World Bank. Với những cải cách này, ông tin rằng còn phải tăng nhiều hơn thế.

Trong suốt giai đoạn 1990-2000 chỉ có khoảng 50.0000 doanh nghiệp được thành lập, kém xa so với con số 130.000 doanh nghiệp được thành lập chỉ trong năm 2019.

Song vấn đề không chỉ có thế.

Theo Tuần Việt Nam (Vietnamnet)

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *