Góc nhìn 22/04/2020 13:00

Lợn hơi, lợn thịt

Truyền hình đưa tin giá thịt lợn hơi từ 80 đến 90 nghìn đồng/kg và thịt lợn thành phẩm từ 145 đến 165 nghìn đồng/kg. Từ đó, tính ra chi phí trung gian quá lớn từ 53 nghìn đến 74 nghìn đồng/kg. Dư luận vì thế mà bất bình. Tuy nhiên, sự thật thế nào cứ phải tính.

Ông Ngô Văn TuyểnTổng Giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEA)

Giả sử con lợn 100 kg khi mổ thịt trung bình thu được khoảng 60 kg thịt (có con lượng thịt chỉ được 50 kg, siêu nạc thì có thể được đến 70 kg), 4 kg xương sườn, 3 kg xương cục, 6 kg thủ, 3 kg chân giò (chỉ tính chân trước), 10 kg lòng.

Giá thị trường thực tế tại quê Thái Bình ngày hôm nay 95 nghìn đồng/kg thịt hơi, giá thịt lợn là 160 nghìn đồng/kg, thủ 80 nghìn đồng/kg, chân giò 90 nghìn đồng/kg, lòng 60 nghìn đồng/kg, xương sườn và xương cục tính chung 50 nghìn đồng/kg.

Chênh lệch đầu ra, đầu vào sẽ là 60*160.000 + 6*80.000 + 3*90.000 + 10*60.000 + 7*50.000 - 100*95.000 = 11.300.000 - 9.500.000 = 1.800.000 đồng. Đây là tính theo giá ở chợ nông thôn. Siêu thị còn thêm nhiều chi phí và giá còn phải cộng thêm 10% thuế VAT.

Cứ nghe truyền hình thì người ăn thịt nghĩ là ăn đắt, dễ tức mắc nghẹn, khổ. Học nhiều thì ta vào loại nhất thế giới, nhưng áp dụng để suy xét các vấn đề thực tế cuộc sống thì ngại, nên cảm xúc dễ bị cuốn theo dư luận và truyền hình.

Giả sử VN tiêu thụ bình quân 20kg thịt lợn/người/năm. Tính tròn dân số 100 triệu, thì lượng thịt tiêu thụ 2 triệu tấn/năm, giá trị ~300 nghìn tỷ đồng. Như vậy, chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn đến thịt lợn tạo ra GDP tương đương 13 tỷ USD/năm.

Ở địa vị người mua thịt thì nghĩ thịt đắt. Thử đặt địa vị người nông dân nuôi lợn xem nuôi được con lợn 1 tạ hết bao nhiêu thời gian và công sức. Một tạ nuôi cả năm được 9 triệu bạc trừ giống, thức ăn còn công chăm sóc, lời lãi được bao nhiêu. 

Trên truyền hình bảo giá chỉ 50 nghìn/kg hơi "ăn lãi gì mà lắm thế?" là không hiểu cái khổ của nông dân và người chăn nuôi. Đành rằng nuôi công nghiệp có thể nuôi nhiều nhưng chi phí cũng bao nhiêu thứ như vốn liếng, chuồng trại chứ không thể tận dụng như gia đình. 

Ngoài ra, gặp dịch bệnh là sạt nghiệp. Bao nhiêu năm nay chỉ ép nông dân cái gì cũng phải rẻ nên nông dân không ngóc đầu lên được và họ cũng sẽ cho thành thị ăn bẩn, hoá chất.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *