Góc nhìn 17/05/2018 11:16

Làm tổ cho “đại bàng”

Đặc khu, nếu không gọi được “đại bàng” về, thì có lẽ nên gọi nó là khu kinh tế, khu công nghiệp.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế

Việt Nam (VIAC)

Một trong những quan điểm khi xây dựng Dự án là phải tạo ra một thể chế nổi trội và cạnh tranh. Điều đó đúng, nhất là khi thế giới đang “thừa” các đặc khu thất bại và không ít quốc gia ngậm ngùi với giấc mơ đặc khu tan vỡ.

“Nổi trội” được hiểu là tạo ra một thể chế “dưới” Hiến pháp và “trên” nhiều qui định hiện hành, với mục tiêu rất rõ ràng: tạo không gian kinh tế - hành chính đặc biệt phục vụ cho phát triển vượt bậc. 

Có hai điều mà các chuyên gia vẫn còn tranh cãi khá gay gắt, một là Việt Nam đã hội nhập rất sâu, rất rộng, đã “là phẳng” các điều kiện ưu đãi, nhất là trong lĩnh vực thuế phí, mở cửa thị trường và nay, không còn nhiều không gian ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài, vốn là đối tượng cần hướng tới của Dự án này. 

Hai là, một số “nổi trội” khác về môi trường kinh doanh, bao gồm các điều kiện kinh doanh, giấy phép, thủ tục, khiếu nại, tố cáo... sẽ thiết kế theo kiểu “thuận lợi” hơn so với phần còn lại của đất nước không phải là cách tiếp cận hiệu quả nhất , nếu không nói là kém an toàn. 

Thay vì tiếp cận “nổi trội” hơn có khả năng gây “hiệu ứng phụ”, nguy cơ “thẩm lậu” hàng hóa, dịch vụ vào thị trường nội địa, có thể làm tổn hại đến môi trường cạnh tranh thì cách tiếp cận tốt hơn là Nhà nước phải đẩy nhanh việc cải cách thể chế toàn diện, triệt để trong toàn quốc để cả quốc gia là một đặc khu nổi trội lên trong khu vực.

Cần nhắc lại năng lực cạnh tranh của Việt Nam, tuy đã được cải thiện khá tốt trong mấy năm gần đây, hiện vẫn đang đứng ở mức trung bình, việc ban hành các qui định có vẻ như “nổi trội” hơn so với trong nước, chắc gì đã là nổi trội hơn so với các nơi khác trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan hay Malaysia... nơi mà cải cách còn quyết liệt, mạnh mẽ và toàn diện hơn, nơi mà các ngành ưu tiên trong Dự án cũng là các ngành mà các khu vực này đang rất cạnh tranh? Nhìn ở góc độ này, mục tiêu cạnh tranh khu vực vẫn còn đang là câu hỏi lớn.

Không những vậy, thế giới đang biến đổi rất mạnh và rất nhanh, “kinh nghiệm không bằng tư duy, qui mô không bằng tốc độ”. Trong khi đã có quốc gia đang bàn chuyện cấp qui chế công dân cho robot, quốc gia khác bàn về xử lý trách nhiệm của “trí tuệ nhân tạo AI”... thì, muốn xây dựng một đặc khu nào đó, điều quan trọng không kém là thể chế này có gọi được “đại bàng” đến hay chỉ là “chim sẻ”, tệ hại hơn, chỉ có kền kền bay về?

Tạo ra một thể chế kinh doanh tự do nhất tại một vùng có tiềm năng ngay trong một quốc gia có môi trường kinh doanh có khả năng cạnh tranh cao và biết thực thi tốt nhất sự tự do đó sẽ là tín hiệu tốt nhất để kéo “đại bàng” về. 

Tiếp cận theo kiểu ban hành ưu đãi, rải một ít “thóc” thuế, phí, đất, điều kiện kinh doanh… chưa phải là cách tiếp cận hiệu quả. Lựa chọn quá nhiều ngành nghề ưu tiên, mà một số chuyên gia hóm hỉnh nhắc lại bài học một thời về “chiến lược gai mít” sẽ gây nguy hại, thay vì xây tổ “đại bàng” lại lo lót ổ “chim sẻ”.

Và tất nhiên, một môi trường ríu rít toàn “chim sẻ” với các ưu đãi ấm áp, mượt mà sẽ không bao giờ là khí quyển cho “đại bàng”, vốn khát khao bầu trời cao rộng của thảo nguyên lộng gió, cần cánh rừng xanh chứ không chịu mấy bụi cây nhỏ! 

Thực tế nhãn tiền về các cơn sốt đất ở ba địa điểm này vừa qua đã cho thấy điều mà ông bà từng cảnh báo “chợ chưa họp, kẻ đầu cơ đã đến”. Những kẻ đầu cơ đang nhanh chân hơn chính sách!

Còn nếu không gọi được “đại bàng” về, thì có lẽ chỉ nên gọi nó là khu kinh tế, khu công nghiệp.

Việt Nam đang khát vọng phát triển, không thể tiếp cận phát triển theo kiểu tiểu tiết. Vẫn biết “dục tốc bất đạt” nhưng không có đột phát, cơ hội “sánh vai với các cường quốc năm châu” sẽ ngày càng xa.

Đây có thể là thời cơ chăng khi cuộc cách mạng kỹ thuật số, gọi nôm na là cách mạng 4.0, đang thách thức mọi quốc gia và đòi hỏi cách đặt vấn đề của chúng ta sẽ phải là: “đại bàng” ơi, các ngươi muốn gì?

Chúng ta không chỉ nên hỏi các FDI Việt Nam muốn gì mà cần phải hỏi các tập đoàn đa quốc gia chưa có ở Việt Nam, rằng họ muốn đâu là đặc khu và muốn xây đặc khu đó như thế nào . Việt Nam có chủ quyền, có Hiến pháp, chúng ta dùng hai thứ này để nghe họ nói.

“Ngày hội cho các đại bàng”! Tại sao không? Ở đó, chúng ta sẽ biết “tổ” mà đại bàng cần là gì, nếu không rất dễ sa vào cảnh “dở cười dở khóc” là người nuôi “chim sẻ” lại đi xây tổ đại bàng. Băn khoăn vừa qua của một số đại biểu Quốc hội, rồi đây khi đất nước phải “cắn răng” chi hàng triệu tỉ đồng cho các đặc khu mà chưa rõ sẽ thu được gì không phải là không đáng chia sẻ.

Việt Nam dân đông nhưng đất ít, tài nguyên ngày càng khan hiếm, do đó, hãy thận trọng trong các quyết sách đầu tư.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *