Góc nhìn 04/09/2018 10:21

Kinh tế thị trường và tự do theo..."ý tôi"

Bạn được tự do làm những gì bạn thích, nhưng phải là những thứ theo ý tôi; bạn phải vận hành tổ chức của bạn và sử dụng nguồn lực hiệu quả theo cơ chế thị trường, nhưng phải phục vụ người dân (trong đó có tôi) miễn phí.

Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright 

Qua một số sự việc đã xảy ra như: VTV bị chỉ trích vì không mua bản quyền Asiad, nhà giáo Hồ Ngọc Đại bị lăng mạ và trước đó là ngôi trường của cố giáo sư Văn Như Cương bị “đập” tơi tả vì thiết kế chương trình trái mắt một số người,...cho thấy sự phi lý, hay tiền hậu bất nhất của số đông, đang là một cản trở rất lớn cho kinh tế thị trường và sự tự do theo nghĩa trần trụi của nó ở Việt Nam.

Hướng đến sự tự do là hướng đến xã hội mà ở đó mỗi cá nhân được quyền làm những gì mình thích (đương nhiên là không thể thái quá như đột nhiên hô cháy trong rạp hát để mọi người dẫm đạp lên nhau); và hướng đến kinh tế thị trường là hướng đến việc để mỗi cá nhân được và chỉ đeo đuổi mục tiêu hay lợi ích của mình.

Điều trớ trêu là không ít người luôn kêu gào hay đòi hỏi kinh tế thị trường và tự do, nhưng khi người khác làm vậy lại nhao nhao phản đối, đòi phải theo ý mình. Nghiêm trọng hơn, có người còn cho mình quyền lăng mạ người khác theo thiên kiến cá nhân, bất chấp lý lẽ. 

VTV đưa ra các quyết định theo cơ chế thị trường đã bị “đập” tơi tả. Lúc đó, nếu ai muốn xem đàng hoàng thì có thể trả tiền để xem online. Những ai muốn xem nhưng không có khả năng chi trả hoặc muốn sử dụng miễn phí thì bấm bụng xem “cọp” chứ đâu cần vừa ăn trộm, vừa la làng ra vẻ ta đây đạo đức. 

Xem như thế nào là quyền tự do và quyết định của mỗi người chứ đâu ai ép mà đổ thừa?

Đối với câu chuyện giáo dục, trớ trêu thay, những nỗ lực cải thiện tình hình đem lại kết quả như đòi hỏi của những người kêu gào phải cải cách thì cũng bị chính họ “đập” tơi tả. 

Trong cuộc đời có nhiều khúc khuỷu của mình, theo tôi được biết, tâm huyết cả đời của cố nhà giáo Văn Như Cương là vì nền giáo dục Việt Nam. Ông đã hành động cụ thể và cho ra các kết quả tích cực. Những việc ông và những người tiếp bước làm đều có những triết lý rõ ràng chứ không phải là những ý nghĩ bất chợt để làm hỏng thế hệ trẻ của Việt Nam. Vậy mà…!!! 

Tâm huyết cả đời của nhà giáo Hồ Ngọc Đại cũng vì một nền giáo dục nhân văn. Những việc ông làm đã cho kết quả cụ thể. Tôi chẳng tin người như ông lại lợi dụng sự nhiễu nhương để trục lợi. Tôi chỉ biết rằng ông là mẫu người chỉ muốn làm điều tử tế mà thôi. Vậy mà…!!!

Nhà nước là thực thể to nhất và chịu trách nhiệm nhiều nhất đối với các vấn đề của xã hội. Do vậy, khi có vấn đề gì xảy ra, nhiều người thường hay chỉ trích hay đổ lỗi cho nhà nước. Tuy nhiên so với cả xã hội thì Nhà nước chỉ như “cái móng tay”. 

Việc thay đổi nhà nước là rất khó, nhưng vẫn khả thi hơn việc thay đổi quán tính của xã hội. Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. 

Có thể VTV có những trục trặc, nhưng việc họ quyết định không mua bản quyền Asiad là nỗ lực tính toán cụ thể cần được ghi nhận chứ không nên nói rằng vì ông không hiệu quả và lãng phí nên việc gì ông làm cũng có vấn đề. 

Không phải tất cả những nỗ lực của những người như nhà giáo Hồ Ngọc Đại, cố nhà giáo Văn Như Cương đều cho những kết quả như kỳ vọng. Nhưng họ là những người đang làm cho hệ thống giáo dục nói riêng, xã hội nói chung tốt lên. Giá trị của họ cùng hướng với giá trị chung của xã hội cần được trân trọng. 

Xã hội chỉ tốt đẹp lên với những góp ý hay phản biện khách quan trên tinh thần xây dựng với những bằng chứng, lý lẽ và lập luận hợp lý chứ không phải là cách đạp đổ thành quả hay lăng mạ người khác. 

Cuối cùng, tôi cho rằng, để làm được những điều có giá trị thường tốn rất nhiều công sức. Những người tạo ra giá trị chung thường rất cô đơn và phải đối mặt với nhiều thách thức và áp lực. Do vậy, mỗi chúng ta cần chung tay vun vào và chú ý giảm thiểu những hành động theo quán tính làm nản chí những người làm điều tốt đẹp.

 

Chuyên mục: Góc nhìn
Huỳnh Thế Du
Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam

Ông Huỳnh Thế Du là giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Ông nhận bằng thạc sỹ quản lý công tại Trường Harvard Kennedy năm 2010 và bằng tiến sỹ tại Trường Kiến Trúc Harvard năm 2013.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *