Góc nhìn 24/09/2020 16:57

Không nâng nội lực sẽ hụt hơi với EVFTA

Nên giai đoạn tới đây, khi Việt Nam háo hức với EVFTA, nhưng không chuẩn bị đủ lực thì cũng không tiếp nhận được.

Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế

Không khí trước các Nghị định rất háo hức và sôi nổi, thậm chí khi tham gia WTO còn những cuộc diễu hành với hơn 5000 thanh niên xuống đường chào mừng. Nhưng do đang có dịch bệnh nên không có cuộc diễu hành nào, song các doanh nghiệp cũng sẽ có cách riêng để thể hiện niềm vui với EVFTA.

Về việc thực hiện FTA lần này so với trước, chúng ta cũng đã từng có những háo hức, hối hả tưởng như đã làm được và sẽ thành công to. Nhưng thực sự có sự hụt hẫng nhất định. Bởi sau 1 vài háo hức, chúng ta hụt hơi và không lấy đủ sức, chuẩn bị đủ lực để đi trên 1 con đường cần sự cố gắng liên tục và nâng cao hơn.

Cho nên phần nhiều, các cơ hội trong các FTA trước mang lại cho tôi cảm xúc vừa vui vừa buồn. Vui ở chỗ, có những chỉ tiêu chúng ta đạt được. Nhưng dường như chúng ta quá nhấn mạnh vào 2 chỉ tiêu thúc đẩy xuất khẩu và FDI, mà quên chỉ tiêu khác.

Đó là phải tăng nội lực cho Việt Nam, chứ không phải xuất khẩu. Để rồi từ chỗ, trước khi tham gia WTO, xuất khẩu của FDI chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, và bây giờ là 70% trong 5 - 7 năm nay.

Doanh nghiệp Việt cũng tăng xuất khẩu nhưng lại thấp hơn rất nhiều và tình trạng nhập siêu của Việt Nam cũng liên tục tăng lên. Chúng ta nói nhiều về chỉ tiêu xuất khẩu, nhưng quên đi mất 1 mục tiêu vô cùng quan trọng là nhập khẩu.

Bởi nói cho cùng, mục tiêu của xuất khẩu là tạo nguồn ngoại tệ để nhập về những thứ cần thiết, nhằm nâng khả năng của nền kinh tế lên. Chứ không phải nhập về rồi lại làm hàng xuất khẩu ra ngoài, hoặc hàng tiêu dùng ngay.

Một cái đau khác của FTA là, các doanh nghiệp trong nước, ngay cả người nông dân cũng chịu rất nhiều sức ép về việc mở cửa thị trường cho hàng hoá, doanh nghiệp bên ngoài vào cạnh tranh. 

Khi chịu sức ép nhiều như vậy, thì lại giành lợi thế, lợi ích của việc xuất khẩu cho người bên ngoài chứ không phải người mình, nhất là cho Trung Quốc. 

Gần đây, Hàn Quốc cũng nổi lên là nước Việt Nam nhập siêu nhiều nhất. Khi nhập quá nhiều, họ sẽ được hưởng lợi nhiều hơn trong cơ cấu xuất khẩu so với mình.

Hụt hơi của Việt Nam cũng là ở chỗ, chúng ta tiếp nhận ở bên ngoài vào hàng hoá của họ, nhưng không nâng được nội lực. Nên giai đoạn tới đây, khi Việt Nam háo hức với EVFTA, nhưng không chuẩn bị đủ lực thì cũng không tiếp nhận được.

Chuyên mục: Góc nhìn
Phạm Chi Lan
Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế

Phạm Chi Lan sinh ngày 14 tháng 1 năm 1945 là một chuyên gia kinh tế nổi bật của Việt Nam. Bà từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *