Góc nhìn 03/11/2020 08:42

Khởi kiện và bồi thường

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường có nhiều điểm tiến bộ đáng ngạc nhiên, như cơ chế khởi kiện và đòi bồi thường về môi trường.

Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI

Điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường mới cho phép các NGOs (tổ chức phi chính phủ) khởi kiện ra toà án, để yêu cầu doanh nghiệp phải có hành động bảo vệ môi trường tốt hơn.

Theo nguyên tắc cơ bản của vụ kiện, một người chỉ có quyền khởi kiện khi có liên quan đến vụ việc. Pháp luật không cho phép “ông giời ơi đất hỡi” không liên quan đứng đơn khởi kiện.

Nhưng pháp luật môi trường lần này sẽ mở ra ngoại lệ. Theo đó, luật cho phép một NGOs không chịu thiệt hại đứng đơn khởi kiện một dự án phá rừng hay một nhà máy xả khói ô nhiễm. Song, NGOs đó không được đòi tiền bồi thường, và chỉ được yêu cầu trồng lại rừng hoặc dừng gây ô nhiễm.

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý trong dự thảo luật mới là việc, trong vụ việc yêu cầu bồi thường do ô nhiễm môi trường, thì bên bị thiệt hại không cần chứng minh quan hệ nhân quả.

Cũng theo nguyên tắc cơ bản của bồi thường thiệt hại, thì bên đòi bồi thường phải chứng minh 3 yếu tố (1) bên kia có hành vi vi phạm pháp luật; (2) mình bị thiệt hại; và (3) có quan hệ nhân quả giữa hành vi của bên kia và thiệt hại của mình.

Tóm lại, nếu một nhà máy xả thải gây ô nhiễm nước sông (yếu tố 1 về hành vi vi phạm), và cá trong bè của nông dân bị chết (yếu tố 2 về thiệt hại), thì nông dân còn phải chứng minh là cá chết do các hoá chất trong nước xả thải kia. Tức là, phải có đủ kiến thức hoá sinh, dinh dưỡng mới chứng minh được rằng cái chất X với nồng độ Y kia trong nước thải đã lan toả thế nào đến bè cá, phản ứng với các chất gì Z gì khác ở nước sông, từ đó tác động thế nào đến hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh của cá, rồi khiến cá chết.

Chứng minh quan hệ nhân quả (3) này có thể coi là đánh đố nông dân. Ngay cả nhà khoa học thì một số điểm cũng không dám chắc.

Luật mới sẽ đổi lại, nông dân sẽ được bồi thường mà chỉ phải chứng minh (1) và (2), không phải chứng minh quan hệ nhân quả.

Còn nếu nhà máy muốn từ chối bồi thường thì phải chứng minh là không phải do mình. Nhà máy có thể đổ lỗi rằng cá chết là do nông dân quên không cho cá ăn, hoặc do nước thải của nhà máy bên cạnh, hoặc do dịch bệnh gì đó. Nếu nhà máy không chỉ ra được nguyên nhân khác thì phải bồi thường.

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế, VCCI

Nguyễn Minh Đức sinh ngày 22 tháng 7 năm 1987, tốt nghiệp đại học là cử nhân Luật và hiện đang là thành viên Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *