Góc nhìn 01/12/2017 08:17

Khoai tây nên đổi thành khoai Trung Quốc?

Vì sao chúng ta đã có quá nhiều nỗ lực chặn thực phẩm bẩn, thúc đẩy đủ kiểu việc tuân thủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tốn kém bao tiền của, lập ra bao nhiêu tổ chức mà tình hình ngày càng tệ hơn? Phải chăng do ta ngăn…không xuể? Hay chính là vì cái dòng thác khổng lồ thực phẩm vẫn cứ ồ ạt tràn vào mỗi ngày đêm, từ cái gốc Trung Quốc, qua con đường buôn bán tiểu ngạch?

Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA)

Qua Việt Nam, đem "rửa nguồn" rồi cứ tự nhiên đội lốt là hàng hóa Việt Nam mà đi khắp nước. Món mà người Việt mình thấy đẹp, hay mua là khoai tây (nên gọi khoai tây là khoai Trung Quốc mới đúng?). Khoai này được chở lên Đà lạt, xong phủ lên một lớp đất mịn đỏ ở đó, rồi chở về TPHCM, thành khoai tây Đà Lạt. Khoai Trung Quốc thì đẹp, to, lại rẻ. Nhưng mà nó lớn, nó đẹp là nhờ thuốc hormon, thuốc tăng trưởng rất độc, rất nguy hiểm.

Mà chính báo chí Trung Quốc ngày nào cũng ra rả cảnh báo dân họ về thực phẩm bẩn như: màng bọc bảo quản thực phẩm PVC có chất dẻo cấm sử dụng DEHA - chất phá hỏng hệ sinh dục và hệ nội tiết; Gạo có hàm lượng kim loại nặng cadmi; Đậu phụ chứa hóa chất cấm rongalite;...

Thậm chí, hơn nửa triệu người Australia đứng trước nguy cơ nhiễm viêm gan A sau khi ăn trái cây đóng gói xuất xứ Trung Quốc.

Người Trung Quốc không muốn dùng thực phẩm có xuất xứ quốc gia họ. Vậy những thứ họ không xài đó sẽ chuyển đi dâu? Chắc chắn phải "xử" thôi, phải “đẩy” sang các nước có cùng biên giới.

Khỏe nhất là vào những nước cứ mở cửa thông thống, kiểm tra lấy lệ cho hàng độc ngênh ngang đi. Nó vào Việt Nam, thay cái nguồn "Made in China" đi, thoắt cái thành hàng Việt ngay. Đất nước mình mà để nó đi tự do, muốn đắp thứ gì, muốn rửa thứ gì cũng được? Xe hàng của mình qua biên giới là bị kiểm tra chặt chẻ từng li từng tí, đâu dễ vậy?

Ai làm nghề kinh doanh nông sản, nhất là xuất khẩu, chắc hiểu sâu sắc tác hại từ chuyện làm ăn với thương lái Trung Quốc và hàng của họ. Chất lượng cỡ nào cũng bao tiêu, cũng mua khiến nông dân quen “tập quán” làm ăn cẩu thả, ngày càng xa với cách làm ăn và tiêu chuẩn thế giới.

Mà thương lái Trung Quốc cũng chỉ mua vài lần, rồi họ buông, họ biến, họ bẻ kèo cũng chẳng ai làm gì họ. Và hội nhập, phải tuân thủ tiêu chuẩn, đảm bảo quy trình chặt chẽ để xuất đi các nước Âu, Mỹ là thấy bực bội, thấy đuối, cứ muốn quay về đường cũ, đó là đầu vào. Còn đầu ra, tiêu thụ chất độc đang công khai bày bán trên thị trường thì hậu quả đã rõ.

Chuyện giảm dần - đến hạn chế tối đa - buôn bán tiểu ngạch mà chuyển dần qua buôn bán chính ngạch đã được nhóm nghiên cứu của ông Trương Đình Tuyển trình lên chinh phủ từ 10 năm trước.

Vì sao tình hình buôn bán bất lợi và độc hại vẫn không được giải quyết? Lợi ích nhóm ở đó chứ đâu. Và chấp nhận cho thực phẩm bẩn giết người hàng loạt cứ được dung dưỡng là từ đó chứ đâu?

Dĩ nhiên còn vì Trung Quốc cũng tìm mọi cách ngăn cản, gây khó cho việc làm ăn chính ngạch nhất là thực phẩm. Thực phẩm hữu cơ được chứng nhận của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ hay chứng nhận của Control Union chăng?

Cứ chờ đấy, ba năm nhé. Vào nước của ông phải theo luật của ông, mà luật khó thì vẹn đôi đường: ngăn chặn chính thức và địa phương hay các cấp thu tiền “dưới bàn” cũng khá. Nhưng sao thực phẩm các nuớc khác có cùng biên giới đều bán chính ngạch được? Vì chính sách của họ không “dễ người khó ta” như mình. Để cho từng DN đi chính ngạch vào thị trường Trung Quốc phải lao đao dài dài. Lại điệp khúc cũ, DN Việt sao cứ đơn độc và khổ thế?

Chuyên mục: Góc nhìn
Vũ Kim Hạnh
Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao

Bà Hạnh từng là một trong những Tổng Biên tập nổi tiếng của báo Tuổi trẻ. Hiện nay bà về hưu và trở thành Chủ Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *