Góc nhìn 01/05/2020 18:27

Khó đoán định bức tranh kinh tế hậu đại dịch

Đến thời điểm hiện nay, bao giờ dịch hoàn toàn được khống chế trên toàn cầu vẫn là một ẩn số.

Lê Duy Bình

Chuyên gia kinh tế Economica Vietnam

Đã có nhiều ý kiến tranh luận về việc nới lỏng có quá muộn hay không hay các quy định về cách ly có quá mạnh mẽ hay không.

Nhưng rõ ràng, nguyên tắc đặt sức khỏe, sự an toàn của người dân và các biện pháp dự phòng, bước đi cẩn trọng của Chính phủ trước diễn biến khó lường của dịch bệnh đã nhận được được sự đồng thuận và chia sẻ từ phía doanh nghiệp, hộ kinh doanh mặc dù họ là những đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp từ những quy định giãn cách xã hội này.

Thiệt hại kinh tế từ việc giãn cách xã hội là vô cùng lớn. Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đều nhìn thấy và bị ảnh hưởng trực tiếp từ quyết định này. Trong quá trình điều hành, Chính phủ chắc chắn đã và đang phải đối diện với nhiều sự lựa chọn khó khăn. 

Có những thời điểm, những mục tiêu về kinh tế cần được ưu tiên hơn, nhưng cũng có những thời điểm các ưu tiên về xã hội, y tế hoặc môi trường sẽ phải được ưu tiên hơn.

Trong bối cảnh đại dịch, việc ưu tiên mục tiêu sức khỏe, xã hội và hy sinh các lợi ích kinh tế trong ngắn hạn là điều hoàn toàn dễ hiểu. Chúng ta cần có cái nhìn dài hạn về phát triển kinh tế. Sự phát triển trong dài hạn không chỉ phụ thuộc vào năm 2020. 

Kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ tạo niềm tin vững chắc trong xã hội, tạo sự ổn định cần thiết làm nền tảng cho sự phục hồi và phát triển bền vững vào những tháng còn lại của năm 2020 và trong giai đoạn tiếp theo. 

Với những dữ liệu về các xu hướng toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia là đối tác thương mại và là thị trường lớn của Việt Nam và với chính thị trường trong nước, chúng ta có thể vẫn kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020.

Nhưng tăng trưởng ở mức trung bình thấp trong năm 2020 có thể là một kịch bản hợp lý.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn với giá trị kim ngạch xuất khẩu gấp đôi GDP. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu hoặc tiêu dùng của người dân các nước này ở Việt Nam ví dụ như thông qua du lịch. 

Nhưng nền kinh tế của các nước này vẫn đang vật lộn với dịch bệnh. Mức tiêu dùng của người dân đối với những hàng hóa, dịch vụ cũng bị suy giảm rõ rệt.

Các hạn chế đi lại giữa các quốc gia làm trầm trọng thêm vấn đề. Và kết quả là các ngành kinh tế chục tỷ đô đang bị suy giảm nặng nề về doanh thu, điển hình là du lịch, dệt may, thủy sản, sản xuất đồ gỗ và nhiều ngành khác.

Rất khó để đoán định chính xác về một bức tranh kinh tế hậu đại dịch. Đến thời điểm hiện nay, bao giờ dịch hoàn toàn được khống chế trên toàn cầu vẫn là một ẩn số. Khả năng phục hồi của kinh tế thế giới do vậy cũng vẫn là ẩn số.

Cầu trong nước có thể là một niềm hy vọng. Chúng ta có thể sử dụng một số biện pháp nhằm tăng thu nhập khả dụng của người dân và kích thích người dân, doanh nghiệp tiêu dùng nhiều hơn.

Thực hiện nhanh gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người nghèo, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 ngoài mục đích an sinh xã hội còn có ý nghĩa tăng thu nhập khả dụng, tăng mức tiêu dùng của người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp, vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Tuy nhiên, với thu nhập hiện tại của người dân và thể trạng của doanh nghiệp và nền kinh tế, việc mở rộng cầu trong nước không thể dễ dàng thực hiện ngay.

Bất kỳ sự mở rộng cầu trong nước ở mức độ nào trong bối cảnh và điều kiện của nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng không thể thay thế sự sụt giảm lượng cầu từ nước ngoài đối với các hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế.

Rõ ràng, sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu và suy giảm cầu đối với hàng hóa dịch vụ của chúng ta sẽ thực sự là một thách thức và nằm ngoài bất kỳ nỗ lực hoặc ý chí kích cầu nào của chúng ta. 

Tăng chi tiêu chính phủ là một biện pháp quan trọng để kích cầu. Việc giải ngân hiệu quả, đúng tiến độ sẽ có tác động hỗ trợ mạnh mẽ cho tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020. Chúng ta còn có rất nhiều dư địa để duy trì và hỗ trợ cho tổng cầu của nền kinh tế. 

Bên cạnh đó còn có các giải pháp về chính sách tiền tệ có thể được sử dụng trong những tháng kế tiếp khi nền kinh tế đã bắt đầu bước sang một trạng thái bình thường mới.

Chúng ta hãy sử dụng hết và thật hiệu quả các dư địa hiện có trước khi nghĩ đến các gói kích cầu hỗ trợ khác. Lạm dụng các gói kích cầu không phải là một giải pháp hiệu quả.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *