Góc nhìn 07/07/2019 14:20

EVFTA như cơn gió lộng, sức khoẻ của “ta” có chịu được không?

‘Hai hiệp định như xa lộ nối liền hai bên’. Song, để đi ra xa lộ đó chúng ta còn phải vượt qua bao nhiêu đường làng quanh co, đầy rào cản mà chính chúng ta dựng lên, chưa nói đến cái xe ậm ạch chúng ta đi có đủ sức chạy trên cao tốc không .

Nhà báo Hoàng Tư Giang

Mở cửa là đúng, chơi được với những quốc gia tiến bộ nhất thế giới là điều rất đáng mừng – điều này thúc ép cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân phải lớn lên.

Nhưng ta cần bình tĩnh để xem, chúng ta đã mở toang tất cả, mở nhất thế giới, gió đã lồng lộng và nhà thì sức khỏe của ta có chịu đựng được không?

Khu vực FDI nhiều năm liên tục đã chiếm tới hơn 70% giá trị xuất khẩu, hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được, nhường sân nhà cho FDI, mà vụ Big C là một trường hợp điển hình.

Điều đáng lo lắng là Việt Nam vẫn nằm ở dưới chuỗi giá trị và ngày càng xuống thấp hơn.

World Bank từng tính toán, chỉ 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được tạo ra trong nước, thấp nhất trong Asean. Hàm lượng nhập khẩu trong các mặt hàng sản xuất được xuất khẩu của Việt Nam tương đối cao – và cao nhất trong các nước ASEAN. Đóng góp về giá trị gia tăng của Việt Nam đặc biệt thấp trong hoạt động sản xuất chế tạo hàng giá trị cao, như hàng điện tử và điện thoại. Ví dụ, giá trị nội địa của hàng điện tử chỉ khoảng 40%, và tới 60% là nguyên liệu nhập khẩu.

Tôi không có nguồn khác, nhưng nghĩ giá trị nội địa của ta còn thấp hơn nhiều. Cứ nhìn vụ Asanzo. Còn vô vàn doanh nghiệp khác tương tự. Thực tế, chúng ta chỉ nhập khẩu nguyên vật liệu về lắp ráp, kiếm tí công ăn việc làm, chứ chẳng thu được chút giá trị gia tăng đáng kể nào. Trong khi đó thì thuế đất, điện, nước, thuế đều rẻ hơn các quốc gia khác.

Điều đáng lo nhất là năng suất lao động và trình độ lao động. Nếu không cải thiện thì chúng ta cũng chả còn việc mà làm đâu.

Xin minh họa bằng vài con số thống kê để thấy thêm tình hình, đầu tiên, trong số 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 6 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.676,8 triệu USD, chiếm 22,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 920,8 triệu USD, chiếm 12,4%.

Tiếp theo, trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 36,8 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.

Và đây mới là xa lộ khi, về thị trường hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 27,5 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU đạt 20,6 tỷ USD, giảm 0,4%.

Tôi hoàn toàn không để phê phán hội nhập (các nước thì phản đối toàn cầu hóa ầm ầm, ta thì rất vui), mà để cảnh báo sức khỏe của chúng ta còn tệ. để tìm ra thuốc bồi bổ giúp chúng ta khỏe mạnh lên. Đoạn đường quanh co ra xa lộ đầy rào cản cần phải được nâng cấp thật nhanh. Còn không, yếu mà cứ ra gió thì như thế nào, ai cũng biết.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *