Góc nhìn 05/04/2019 08:28

Đừng cố cứu những doanh nghiệp... chết

Nền kinh tế sẽ tăng trưởng nếu phân bố nguồn lực hiệu quả, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và sẵn sàng “gạt bỏ” những mô hình kinh tế lạc hậu, kém phát triển.

Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế

Trong kỷ nguyên kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo thì động lực tăng trưởng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong nền kinh tế là vô cùng quan trọng.

Muốn tăng trưởng TFP thì cần phải có 3 yếu tố. Yếu tố thứ nhất chính là phân bố nguồn lực hiệu quả; yếu tố thứ hai là nâng cao hiệu quả của hoạt động của doanh nghiệp; yếu tố thứ ba là nếu doanh nghiệp và ngành năng suất cao gia nhập thị trường thì thay thế cho doanh nghiệp và ngành năng suất thấp.

Có những năm Việt Nam rất dồi dào về vốn, đặc biệt là sau khi gia nhập WTO thì nhiều quỹ đầu tư đã “đổ tiền” vào nước ta.

Tuy nhiên, điều “đau đớn” nhất chính là những năm có nhiều nguồn vốn nhất, dùng nhiều tiền nhất lại tăng trưởng kém nhất về chất lượng, kể cả tốc độ và năng suất lao động cũng không tăng trưởng nhiều bằng lúc chưa có nguồn vốn.

Điều này chứng tỏ, không phải cứ có tiền là có thể làm tốt được, nhất là tiêu tiền không phải của mình và tiền không phải do mình đầu tư.

Trước đây, doanh nghiệp Nhà nước là “mũi nhọn” chính để thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia. Thế nhưng, càng ngày thì càng rõ câu chuyện của doanh nghiệp nhà nước, bởi đây là những doanh nghiệp sử dụng nhiều nguồn lực nhất nhưng cũng là những đơn vị nợ nần nhiều nhất.

Những nước kém phát triển thường duy trì, níu giữ những mô hình cũ vốn đã từng có tiềm năng. Thế nhưng, những thành công của quá khứ không thể đảm bảo cho thành công của tương lai, nhất là trong thời kỳ thế giới liên tục thay đổi.

Có những người thành công trong quá khứ nhưng không thể phát triển được trong tương lai nếu không chuyển đổi được. Không thể cứ mãi cố cứu những “ông chết rồi” như vậy được.

Ví dụ cụ thể nhất có thể kể đến 12 dự án “thoi thóp” của Bộ Công Thương 3 năm nay không giải quyết được. Mỗi năm phải tốn hàng ngàn tỷ đồng để duy trì một nhà máy. Trong khi đó, thực chất thì những nhà máy này đã “chết” và nên để chúng “chết” hẳn, bởi việc duy trì chúng làm lãng phí rất nhiều nguồn lực.

Theo kinh nghiệm của những nước phát triển thì doanh nghiệp mới là đối tượng chính tạo ra năng suất. Nếu muốn tăng năng suất nhưng lại không lấy doanh nghiệp ra làm trụ cột thì không thể thành công được.

Doanh nghiệp và các ngành có năng suất cao sẽ cần phải thay thế dần những doanh nghiệp và các ngành có năng suất thấp. Và quá trình này phải diễn ra liên tục để chào đón những doanh nghiệp mới có năng lực gia nhập thị trường và thay thế những doanh nghiệp yếu kém.

Nếu cứ muốn tăng số doanh nghiệp lên bằng cách duy trì những doanh nghiệp “chết” và không dám "chôn" thì đây không phải là cách lành mạnh để tăng năng suất.

Những thành tích “nổi trội” chưa chắc của chúng ta

Trong 3 yếu tố để tăng trưởng TFP thì yếu tố phân bổ nguồn lực hiệu quả quan trọng hơn 2 yếu tố còn lại bởi những nguồn lực quan trọng nhất ở Việt Nam đều do Nhà nước thay mặt người dân quản lý và phân bổ. Nếu Nhà nước phân bổ không hiệu quả thì khó có thể tăng trưởng.

Hiện nay, 50% nguồn lực đang nằm trong tay doanh nghiệp Nhà nước dù số doanh nghiệp Nhà nước hiện nay chỉ còn khoảng 700 đơn vị. Nếu nguồn lực không được phân bố hiệu quả sẽ rơi vào tay vào những người sử dụng không hiệu quả, trong khi đó những người làm tốt thì lại không có nguồn lực để phát triển.

Không nên vội mừng và chủ quan bởi những con số tăng trưởng trong thời gian qua, bởi Việt Nam đang dựa rất nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Thế nên, bây giờ phải có phương án thu hút đầu tư nước ngoài như thế nào? Ưu tiên về lĩnh vực nào, ưu tiên như thế nào? Bởi từ trước đến nay chúng ta vẫn “nhắm mắt” ưu tiên, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp đưa công nghệ “bẩn” vào gây ô nhiễm môi trường, đầu tư vài chục năm thua lỗ nhưng vẫn cố bám trụ để được ưu đãi thuế...

Trong khi đó, FDI đang đẩy Việt Nam vào thế lệ thuộc rất lớn trong mọi thứ tăng trưởng, kể cả thành thích xuất khẩu. Điển hình là 72% tỉ lệ xuất khẩu có được là từ FDI, trong đó có những doanh nghiệp FDI chiếm đến 25% giá trị xuất khẩu. Hơn 50% ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam nằm trong tay FDI. Điều này chứng tỏ, mức độ lệ thuộc của Việt Nam vào FDI là rất lớn.

Đến khi nào 100 triệu dân chúng ta mới tự đứng được trên đôi chân của mình chứ không phải là dựa vào thành tích của người khác để nhận là thành tích của mình. Kể cả thu nhập bình quân đầu người tăng cao cũng là “nhận vơ” phần của người ta, trong khi thực chất người dân của mình không có được cái thu nhập đó.

Chuyên mục: Góc nhìn
Phạm Chi Lan
Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế

Phạm Chi Lan sinh ngày 14 tháng 1 năm 1945 là một chuyên gia kinh tế nổi bật của Việt Nam. Bà từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *