Góc nhìn 13/11/2018 09:16

Doanh nhân Việt Nam thật dũng cảm!

Tìm kiếm thông tin về cải cách tư pháp, đọc được một con số giật mình. Năm 2018, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đặt chỉ tiêu sẽ thi hành 32% số tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành.

Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế VCCI

Nôm na hiểu thế này, sau khi toà án ra bản án, người thắng kiện sẽ làm đơn đề nghị cơ quan thi hành án thi hành bản án đó. Cơ quan này sẽ đi xác minh xem án có thể thi hành được hay không. Nếu được, thì họ thi hành, nếu không, thì tạm đình chỉ để đó.

Đứng từ góc độ một doanh nghiệp, nếu đối tác của vi phạm hợp đồng, doanh nghiệp đòi bồi thường, hoặc đơn giản là đi đòi nợ. Đối tác không trả thì doanh nghiệp sẽ tính đường khởi kiện. Khởi kiện mà coi là suôn sẻ nhất, thì cũng vài tháng đến một năm mới có bản án.

Đến khi có bản án rồi thì lại phải đợi bên thi hành án xác minh xem “con nợ” có điều kiện trả nợ không. Và giả sử là “con nợ” có điều kiện đi, thì tỷ lệ thu hồi tiền cũng chỉ là 32%.

Thế nếu mà mọi chuyện không suôn sẻ thì nộp đơn khởi kiện cũng không xong. Phiên toà mãi không mở được, sơ thẩm rồi lại phúc thẩm, rồi có khi lại huỷ án quay về sở thẩm xét xử lại, rồi “con nợ” không có điều kiện thi hành.

Mà giả sử “con nợ” có điều kiện thi hành nhưng cơ quan thi hành án bảo là không thì cũng chịu. Đó là chưa kể đủ các thể loại chi phí “bôi trơn”, công chứng, đi lại, thuê luật sư...

Trong khi đó, dịch vụ đòi nợ thuê, chi phí trung bình 20% - 30%, cao nhất cũng chỉ 50% - 60% giá trị khoản nợ, và chỉ phải trả tiền khi đòi được nợ.

Thật sự mình kính nể các doanh nhân Việt Nam. Họ quá dũng cảm!

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế, VCCI

Nguyễn Minh Đức sinh ngày 22 tháng 7 năm 1987, tốt nghiệp đại học là cử nhân Luật và hiện đang là thành viên Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *