Góc nhìn 10/11/2018 09:49

Doanh nghiệp thua lỗ vẫn được chào bán chứng khoán?

Doanh nghiệp không đủ điều kiện, thua lỗ nhưng vẫn nên được phép chào bán chứng khoán để đảm bảo điều kiện tiếp cận vốn.

Ông Vũ Bằng, Nguyên Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán

Doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng trở lên mới được chào bán trái phiếu là quá lớn, gây khó khăn cho việc huy động vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hiện nay chủ trương của Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Tuy nhiên, do chúng ta chưa đủ điều kiện nên cần có những bước cải cách và tăng cường tính minh bạch để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ban soạn thảo cần đề cao tính minh bạch thay vì chỉ tập trung vào các điều kiện kiểm soát. Trên thị trường, có trường hợp doanh nghiệp huy động vốn nhưng sử dụng sai mục đích, tuy nhiên đây chỉ là trường hợp số ít. Nếu quy định siết chặt vấn đề này có thể làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Có một dẫn chứng cụ thể là, luật mới chỉ quy định về chào bán riêng lẻ trên phạm vi rất hẹp so với thông lệ quốc tế. Luật đang thắt quy định đại chúng và điều kiện phát hành riêng lẻ, như vậy doanh nghiệp sẽ “không có cửa” huy động vốn. Nhiều doanh nghiệp muốn chào bán riêng lẻ, nhưng phạm vi chào bán riêng lẻ quá hẹp.

Hiện nay, chúng ta đã mở thêm ra một số đối tượng nhưng quy định vẫn khác xa với thông lệ quốc tế. Chào bán riêng lẻ theo quy định được chia ra 3 nhóm: nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán đủ điều kiện gồm các công ty chứng khoán chuyên nghiệp (CTCK, ngân hàng, quỹ đầu tư); nhà đầu tư chứng khoán đủ tiêu chuẩn tự chịu trách nhiệm (người có giấy phép hành nghề nhân viên) và doanh nghiệp có vốn 1.000 tỷ đồng.

Tại Singapore, luật chỉ yêu cầu doanh nghiệp có vốn 10 triệu USD Singapore, như vậy quy định 1.000 tỷ đồng tại Việt Nam là quá cao. Đối với cá nhân, quy định hiện nay đang khá rườm rà, trong khi việc kiểm soát tài sản rất đơn giản thông qua sổ đỏ, chứng khoán và sổ tiết kiệm khi đến mở tài khoản chứng khoán.

Trong khi đó thực tế tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp startup có thể sẽ lỗ trong 2, 3 năm đầu hoạt động, nhưng tiềm năng cực kỳ lớn. Có thể lấy ví dụ như Vinfast, trong 5 - 10 năm đầu họ có thể chịu lỗ, nhưng về lâu dài, với tiềm năng lớn, họ có thể có lãi. Không cho phép họ huy động vốn, chào bán ra công chúng thì làm như thế nào?

Hơn nữa, theo khảo sát, số DN có quy mô dưới 200 tỷ đồng đang chiếm tới  97,7%. Và các đối tượng là DN nhỏ và vừa này mới là đối tượng gặp vướng mắc về chính sách hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn.

Do đó, tôi đề xuất việc doanh nghiệp không đủ điều kiện, thua lỗ nhưng vẫn nên được phép chào bán chứng khoán để đảm bảo điều kiện tiếp cận vốn.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *