Góc nhìn 30/11/2017 08:52

Diễn không đạt sao gọi là diễn đạt?

Có hai câu chuyện liên tiếp xảy ra gần đây, tưởng nhỏ, tưởng vui xung quanh mấy từ "lỗi diễn đạt" và "lỗi đánh máy" khiến tôi chợt nhớ chuyện hôm đi dự hội nghị VSMCamp của các giám đốc sale và marketing toàn quốc gần đây.

Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA)

Tôi ngồi gần nhóm bạn doanh nhân trẻ chuyên về công nghệ, tôi thấy họ không hề cầm bút viết ghi chép gì nữa. Họ chỉ đọc khe khẻ vào điện thoại di động rồi điện thoại tự ghi. Nhẹ nhàng, ngon lành! Chứ không đến nỗi phải đính chính, xin lỗi như…


Tại cuộc họp báo thường kỳ sáng 27/11, Bộ Tài nguyên nhận "lỗi diễn đạt" về thông tư 33/2017 quy định cấp sổ đỏ hộ gia đình. Thì ra, Bộ nhận thấy thông tư có câu chữ mang tính "kỹ thuật" khiến người dân hoang mang.
Và điều ly kỳ là bây giờ Thông tư lại cho người dân có 2 sự lựa chọn. Thứ nhất, các thành viên trong hộ gia đình cử một người đại diện đứng tên trên sổ đỏ. Với phương án này, trên sổ đỏ ghi tên người đại diện cho hộ gia đình, chứ không phải ghi như trước kia là "hộ của cá nhân”. Phương án hai là ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình vào sổ đỏ. 
Cùng lúc, một thông tư khác cũng bị đính chính, nhưng không do "lỗi diễn đạt" mà là "lỗi đánh máy". Đó là thông tin liên quan tới an ninh hàng không mới được bộ trưởng ký ban hành hôm 27/11 nói rằng trình thẻ đảng viên, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe môtô, ôtô, thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, là không được lên máy bay. Sau khi người dân, thông qua các báo và mạng xã hội phản ứng thì ông Đinh Việt Sơn, Cục phó Hàng không, cho biết: “Ngay sau khi báo chí đăng tải ngày 27/11, chúng tôi đã rà soát và phát hiện ra lỗi đánh máy trong văn bản đề xuất Bộ Giao thông. Chúng tôi nhận trách nhiệm sai sót thuộc về đơn vị soạn thảo Thông tư." 
Các Bộ bây giờ thật vui tính! Soạn thảo mới ráo mực là Bộ trưởng ký luôn mà không có ai đọc dù chỉ là do lỗi đánh máy. Nếu mà học trò đi học ắt bị cô giáo vụt tay, hay chép phạt 100 lần. Thậm chí, bị trượt luôn nếu đó là bài thi.
Ai đi đến các Bộ xin hẹn làm việc hay nộp giấy tờ, sẽ thấy “công đường” nghiêm ngặt đến chừng nào. Vậy mà nhiều thứ từ Bộ ra đến dân, buộc dân thực hiện thì cứ…như chốn không người. Dân đến, thì khó trăm chiều mà đến dân thì…chẳng cần ghé mắt? 
Làm sao để đừng có lỗi diễn đạt và lỗi đánh máy nữa? Thì lấy điện di động ra, đọc cho nó viết thành văn bản. Máy là máy, hễ dạy nó cẩn thận, rành mạch thì nó làm đúng ý mình thôi.
Đó là “tối kiến” lợi cả nhiều đàng: giảm biên chế cho các bộ, đỡ họp báo đính chính, đỡ xì chét cho dân tối ngày cứ nghe “mấy ổng đính chính, mà chỉ ổng có quyền sai, chứ dân mà mần không trúng ý mấy ổng thì biết đá biết vàng ngay”. Tối kiến này chẳng tốn kém gì nhưng có hai điều không thuận lợi : Đem điện thoại ra dùng thì đâu có sắm sửa gì mà dự án nào cũng phải có mua sắm trang bị mời được ưu tiên duyệt. Và còn nữa, máy viết không sai, thì lấy đâu ra chỗ để đổ thừa?

Chuyên mục: Góc nhìn
Vũ Kim Hạnh
Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao

Bà Hạnh từng là một trong những Tổng Biên tập nổi tiếng của báo Tuổi trẻ. Hiện nay bà về hưu và trở thành Chủ Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *