Góc nhìn 13/05/2018 11:04

Đánh cược với người làm chính sách thuế!

Nhà đầu tư và người dân luôn mong muốn có môi trường kinh doanh ổn định. Việc sửa đổi, bổ sung 6 Luật thuế lần này làm cho nhà đầu tư và người dân sẽ băn khoăn liệu sau kỳ sửa đổi, bổ sung lần này thì chính sách thuế này sẽ tồn tại trong bao lâu nữa?

PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế

Ngày 6.4.2016, Quốc hội thông qua Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế VAT, Luật Thuế TTĐB, Luật Quản lý thuế và có hiệu lực thi hành từ 1.7.2016.

Như vậy, các luật thuế được đề nghị sửa đổi lần này mới có hiệu lực trong thời gian hơn một năm và nay lại được điều chỉnh. Điều này cho thấy chính sách thuế không ổn định, thay đổi liên tục.

Dường như nhà đầu tư và người dân luôn phải đánh cược với nhà làm chính sách thuế. Bởi chính sách luôn có sự thay đổi, điều chỉnh sẽ tác động không nhỏ tới môi trường đầu tư, kinh doanh.

Để có sự thuyết phục, tạo sự đồng thuận xã hôi khi điều chỉnh tăng mức thuế của sắc thuế cần có những giải trình, dẫn chứng chi tiết hơn về tác động của đề xuất điều chỉnh các sắc thuế đối với hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, tích lũy và tiêu dùng của doanh nghiệp và dân cư.

Ví dụ đề xuất áp thuế VAT 5% với nhiều mặt hàng hiện không chịu thuế, tăng mức thuế VAT của nhiều mặt hàng đang chịu thuế 5% lên 6%, từ 10% lên 12%. Nhưng thuế VAT là thuế tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế.

Không những thế, thuế VAT có tính “lũy thoái” đánh vào người thu nhập thấp chịu nặng nề hơn. Dưới góc độ công bằng, tăng thuế VAT sẽ làm tổn thương và tạo áp lực nhiều hơn đối với người có thu nhập thấp, do vậy chưa thực hiện sự công bằng, và chính sách an sinh xã hội.

Ý kiến giải trình của Bộ Tài chính cho rằng thuế suất thuế VAT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo còn phiến diện, chưa thuyết phục. Bởi thuế VAT có tính lũy thoái, người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn so với người có thu nhập cao. Do vậy, khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng.

Còn về thuế tài sản với nhà và ô tô. Cần hiểu rõ: Tài sản là gì? Tài sản trong Luật Dân sự là tiền, vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản.

Ô tô là động sản. Hiện nay, trên Thế giới, họ đánh thuế tài sản chủ yếu vào các bất động sản như nhà, đất... Rất ít quốc gia đánh vào động sản như ô tô. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam cần đánh thuế tài sản chưa?

Trong hệ thống pháp luật, chúng ta chưa có Luật thuế tài sản nhưng thực chất Nhà nước đã đánh thuế tài sản từ lâu thông qua các sắc thuế, phí như thuế đất nông nghiệp, thuế đất phi nông nghiệp, phí và lệ phí trước bạ...

Trong đó, có loại thuế, phí đánh một lần là phí và các khoản lệ phí khi mua sắm tài sản, đánh hàng năm như phí chuyển nhượng, mua bán đất đai.

Song có một đặc điểm chung là hầu hết các nước trên thế giới đánh thuế tài sản vào nhà đất, bất động sản, rất ít nước đánh thuế tài sản với ô tô. Vậy tại sao chúng ta lại đề xuất đánh? Việc đặt ra vấn đề đánh thuế tài sản ô tô vốn là điều hết sức vô lý, khiên cưỡng.

Việt Nam luôn hướng tới môi trường kinh doanh đạt mức ASEAN 4, ASEAN 5, và biến biến ô tô trở thành một phương tiện đi lại phổ thông. Song thực tế với chúng ta, việc sử dụng ô tô vẫn là điều gì đó xa xỉ. Bởi giá ô tô vẫn rất cao, mức giá này không chỉ cao so với thu nhập của phần lớn người Việt Nam mà còn so với thế giới.

Nguyên nhân bởi ô tô nhập khẩu để tới được với người tiêu dùng phải chịu rất nhiều loại thuế, phí: thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế VAT, phí trước bạ, phí cấp biển số, phí đăng kiểm... với mức đóng thuế, phí cao. Cuối cùng, Nhà nước được tiền thuế, DN hưởng lợi nhuận sau khi đã trừ thuế, còn người tiêu dùng gánh mọi loại thuế, phí tổn. 

Chuyên mục: Góc nhìn
Ngô Trí Long
Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế

PGS.TS Ngô Trí Long hiện nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *