Góc nhìn 05/01/2018 07:34

Đảm bảo sự tồn tại bền vững của ngành thủy hải sản

Vừa mới nhậm chức tại Việt Nam, ngài Dan Kritenbrink, Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam đã có một bài viết gửi Dân trí về việc đảm bảo sự tồn tại bền vững trong lĩnh vực thủy hải sản. Dân trí xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Tôi vừa mới đến Việt Nam, nhưng một trong những điều gây ấn tượng với tôi là mối quan hệ khăng khít có bề dày lịch sử với biển của đất nước các bạn. Với đường bờ biển trải dài, Việt Nam có một nền kinh tế biển, bao gồm ngư nghiệp, ngành đang ngày một phát triển và mở rộng. Hoa Kỳ cũng là một quốc gia hàng hải và ngư nghiệp là một phần không thể thiếu trong nền văn hóa và thương mại của chúng tôi.

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên biển phong phú mà cả hai nước chúng ta phụ thuộc vào đang bị đe dọa. Nó có nhiều tên gọi khác nhau như: đánh bắt bất hợp pháp, đánh bắt quá mức, khai thác không khai báo, không kiểm soát ... Cho dù tên gọi là gì, các hoạt động này là có hại. Hiện nay, nhiều quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ và Việt Nam, đang nỗ lực để thay đổi thực trạng này.

Đối với Việt Nam, ngư nghiệp vừa là sinh kế của hơn 4 triệu người dân Việt Nam vừa là đầu tàu kinh tế đóng góp 4-5% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngư nghiệp có tầm quan trọng ngày một lớn, đặc biệt đối với lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam với tổng kim ngạch có thể lên đến 8 tỷ đô la trong năm 2017.

Hoa Kỳ là một trong ba nước nhập khẩu cá hàng đầu của Việt Nam, và tôi chắc chắn rằng khi tôi đang viết  những dòng này, hàng nghìn đồng bào của tôi đang thưởng thức món cá rô phi thơm ngon, một ly cocktail tôm hay món cá ngừ đại dương áp chảo tuyệt hảo có xuất xứ từ bờ biển hoặc các trang trại nuôi cá của Việt Nam.

Ngay cả khi tận hưởng những lợi ích của ngành thuỷ hải sản, chúng ta cũng cần có trách nhiệm đảm bảo rằng những nguồn lợi đó có thể tồn tại lâu dài. Chúng ta nhận được sự đồng hành từ các tổ chức phi chính phủ, những doanh nghiệp tư nhân, giới nghiên cứu, và những người khác cùng đứng lên kêu gọi bảo vệ hệ sinh thái biển vô cùng quan trọng này.

Chỉ vài tháng trước tại hội nghị "Đại dương của chúng ta" ở Malta, chúng ta đã cùng nhau đưa ra hơn 400 cam kết cụ thể như xây dựng các khu bảo tồn biển mới và có các hành động mạnh mẽ hơn để chống lại các mối đe dọa đối với hệ sinh thái biển.

Kể từ sau hội nghị này, Việt Nam đã đi đầu trong việc thông qua một đạo luật ngư nghiệp mới, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị và Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp khác đầy hứa hẹn. Hoa Kỳ đã và đang hợp tác với Việt Nam và nhiều quốc gia ASEAN nhằm nâng cao năng lực quản lý trong ngành thủy hải sản, và chúng tôi hy vọng rằng các sáng kiến mới của Việt Nam sẽ mang lại cơ hội để các nước cùng nhau hợp tác chặt chẽ hơn, đặc biệt trong việc xây dựng năng lực giám sát hoạt động nghề cá cho Việt Nam. 

Về phần mình, Hoa Kỳ đang triển khai Chương trình Giám sát Thuỷ sản Nhập khẩu vào Hoa Kỳ áp dụng đối với cả hải sản nuôi trong nước và nhập khẩu. Từ ngày 1/1/2018, chương trình này ngăn chặn các sản phẩm đánh bắt trái phép, khai thác không báo cáo, không theo quy định hoặc mô tả không chính xác vào thị trường Hoa Kỳ. Chương trình này sẽ giúp bảo vệ các loài cá, các đại dương, nguồn sinh kế của ngư dân và các thế hệ tương lai. Nói một cách đơn giản, đó là điều đúng đắn cần làm.

Tôi cảm thấy phấn chấn trước các nỗ lực hiện có của cộng đồng quốc tế cũng như các quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm bảo vệ ngành nghề đáng tự hào và có vai trò quan trọng này. Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ cùng nhau đảm bảo sự tồn tại bền vững của ngành thủy hải sản cho con cháu chúng ta. Và ở góc độ cá nhân, tôi mong sớm có dịp cùng gia đình thưởng thức món chả cá nổi tiếng của Hà Nội!

Dan Kritenbrink

Đại sứ  Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *