Góc nhìn 29/07/2018 12:53

Chuyển giá quốc tế và bài học cho Việt Nam

Chuyển giá đã trở thành đề tài nóng trên thế giới, và cũng là vấn đề đang được Chính phủ và các Bộ, ngành Việt Nam quan tâm, tìm giải pháp phòng chống.

TS. Hà Thị Mỹ Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế- Kiểm toán Nhà nước

Tại Ấn Độ, quốc gia này đã sửa đổi quy định về các biện pháp chống chuyển giá gồm: Thực hiện cơ chế thỏa thuận giá trước APA về phương pháp xác định giá tính thuế; Áp dụng chế tài xử phạt nặng đối với những doanh nghiệp không cung cấp các thông tin hay tài liệu về các giao dịch kinh tế khi cơ quan thuế yêu cầu; Quy định mức giá/lợi nhuận để xác định giá thị trường của sản phẩm; Đưa ra những cách thức nhằm hình thành hệ thống số liệu theo chuỗi các năm để so sánh, đối chiếu. 

Đối với các khoản phát hiện, mức phạt khoảng 2% tính trên giá trị hợp đồng đối với một số sai sót cụ thể như không lưu trữ đầy đủ hồ sơ, lập hồ sơ không chính xác…

Trong khi đó tại Indonesia, họ áp dụng biện pháp ngăn chặn hoạt động chuyển giá căn bản nhất tại quốc gia thực hiện theo hướng dẫn của OECD như so sánh giá thị trường tự do, phương pháp dựa vào giá bán ra, phương pháp cộng chi phí vào giá vốn.

Mặt khác, Indonesia áp dụng mức phạt 2%/tháng tính trên số thuế nộp thiếu bị phát hiện do gian lận qua chuyển giá, mức này sẽ tăng thêm 50% nếu các kiến nghị phản đối bị xác định là sai, và tăng thêm 100% nếu kết quả kháng cáo vẫn được xác định là sai. 

Tại Malaysia, Chính phủ đã luật hóa bằng các quy định cụ thể về việc ban hành hai tờ khai về chuyển giá, trong đó một tờ khai dành cho các doanh nghiệp nước ngoài và một tờ khai dành cho các doanh nghiệp trong nước. Trên cơ sở thông tin kê khai, Cục Thuế quốc gia này sẽ xem xét, rà soát liệu có nên thanh tra doanh nghiệp đó hay không. 

Điểm nhấn đáng quan tâm nhất trong quy định này là Cục Thuế Malaysia muốn thấy ở tờ khai này những thông tin về cấu trúc của tập đoàn, những chi phí mà công ty phải trả như chi phí bản quyền, chi phí quản lý doanh nghiệp, những bằng chứng chứng minh doanh nghiệp có hưởng những dịch vụ đó và trả đúng với những dịch vụ mà doanh nghiệp đã hưởng hay không.

Một số nước khác như Tunisia, Pháp, Brazil… ban hành danh sách các thiên đường thuế, đồng thời đưa ra những chính sách nhằm hạn chế việc chuyển giá của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại các thiên đường thuế. 

Trong đó, Tunisia áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các đối tượng không cư trú tại Tunisia nhưng là đối tượng cư trú tại các thiên đường thuế là 25%, cao hơn so với mức áp dụng với các nước khác (15%). 

Để phù hợp với xu hướng các nước ngày càng giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, Brazil quy định những quốc gia có mức thuế suất thấp hơn 17% sẽ được coi là thiên đường thuế, thay vì quy định dưới 20% như trước đây.

Như vậy, để triển khai công tác thanh tra, kiểm tra hiệu quả để phòng chống hoạt động chuyển gia, có thể rút ra một số bài học sau để áp dụng trong điều kiện Việt Nam:

Thứ nhất, cần nghiên cứu hướng dẫn của OECD để hoàn thiện khung chính sách quốc gia tùy theo điều kiện cụ thể của Việt Nam. Chính sách thuế phù hợp với tình hình trong nước đồng thời đáp ứng với yêu cầu của hội nhập và xu thế chung của khu vực và thế giới (xu hướng của các nước châu Á – Thái Bình Dương những năm gần đây là giảm mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân) đảm bảo mục tiêu công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ thuế giữa các thành phần kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách và kích thích thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ hai về hệ thống chế tài chống chuyển giá, cần xây dựng một hệ thống chế tài nghiêm minh và tổ chức thực hiện nghiêm túc hệ thống chế tài đối với những hành vi không tuân thủ kê khai về giá chuyển giao khi có giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo thủ tục, trình tự quy định của pháp luật.

Thứ ba về trách nhiệm kê khai thông tin, trong kiểm soát hoạt động chuyển giá, cần đặc biệt chú trọng đến quy định về trách nhiệm kê khai thông tin liên quan về các mối quan hệ kinh tế liên kết, việc xuất trình các tài liệu minh chứng; tạo lập các cơ sở dữ liệu về thông tin thuế, hải quan để so sánh đối chiếu trong nội bộ quốc gia, cũng như tăng cường trao đổi thông tin quốc tế. Đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, đảm bảo sự kết nối và trao đổi thông tin tự động giữa cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước khác.

Thứ tư về đội ngũ nhân lực quản lý có chất lượng, cần chuẩn bị nguồn nhân lực với chất lượng cao nhằm phục vụ cho việc quản lý nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn nhân sự này phải được thường xuyên cập nhật kiến thức về kinh tế, kinh nghiệm quản lý kinh tế, kinh nghiệm về hoạt động chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia tại các quốc gia trên thế giới.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *