Góc nhìn 01/04/2020 14:38

Chống dịch và hành động của chúng ta?

Chống dịch là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, dịch nếu kéo dài thì hệ luỵ đối với an sinh xã hội và ổn định kinh tế sẽ rất nặng nề.

Ngô Văn Tuyển

Quyền Tổng giám đốc VEAM

Vì vậy, có thể phải cần một số đối sách:

(1) Phải cứu giúp những người bị tổn thương nhất, tức là những người không đi làm thì không có ăn. Giả sử có 1 triệu người bị ảnh hưởng phải trợ cấp 1 triệu đồng/người/tháng, thì cần 1 nghìn tỷ đồng/tháng. Khoản này bằng khoảng 0,7 phần nghìn thu ngân sách hàng năm. Năm nay bị ảnh hưởng Covid-19 thu ít, cứ cho là mỗi tháng phải trợ cấp 1 phần nghìn số thu cả năm. 

(2) Không thể để kinh tế đổ vỡ dây chuyền. Cách ly toàn xã hội thì doanh nghiệp đình trệ hết. Huy động vốn có thể giảm lãi suất xuống rất thấp thậm chí bằng 0, lãi suất cho vay cũng giảm tương ứng. Tất cả những hoạt động cho thuê mặt bằng, cho thuê nhà giảm ngay tiền cho thuê thậm chí bằng 0 khi người thuê không thu được lợi ích gì. Các khoản tiền thuê đất, thuế đất của nhà nước cũng miễn hết. 

(3) Doanh nghiệp không hoạt động nhưng vẫn phải trợ cấp hoặc trả lương cho người lao động để giữ người thì các loại thuế đến hạn nộp cần được gia hạn, xem xét miễn giảm một số loại thuế, phí. Đành rằng Nhà nước không thu được thì lấy gì mà chi, nhưng Nhà nước có thể cắt giảm hoặc giãn một số chi tiêu. Doanh nghiệp còn hoạt động thì còn cơ hội thu. 

(4) Ngân hàng cho vay một số đầu tư như bất động sản, chứng khoán đừng thấy thị trường xuống thấp mà áp dụng chính sách như lúc bình thường bắt người vay phải bán. Làm vậy là huỷ hoại người vay trong lúc hoạn nạn. Người vay phá sản và ngân hàng cũng không chắc thu hồi được tiền. Năm 2019 các ngân hàng lãi lớn là tín hiệu không bình thường của nền kinh tế. 

(5) Thị trường chứng khoán lao dốc là cơ hội cho những âm mưu thâu tóm. Giả sử thế lực bên ngoài lắm tiền nhiều của có ý định nắm doanh nghiệp Việt thì giờ là cơ hội để họ thò tay vào với giá rẻ nhất. Ví dụ, một hãng bay vừa ra đời đã bị nợ đìa, vào tay nước ngoài bây giờ thì sao. Người Việt cũng gần 100 triệu dân đấy, đừng gì cũng trông đợi nước ngoài. Không nên đứng nhìn doanh nghiệp tự chìm, chứng khoán bỏ mặc. 

(6) Khi sản xuất đình trệ, hàng hoá khan hiếm, lạm phát tăng cao. Không được hoảng hốt áp dụng những cú sốc kiềm chế lạm phát. Những chỉ số kinh tế vĩ mô đôi khi vô hồn, đừng quá chạy theo trong ngắn hạn. Đừng quá tin vào những “chuyên gia” chưa bao giờ biết nỗi đau của doanh nghiệp. 

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *