Góc nhìn 18/01/2019 09:18

Chán xe máy, thèm khát ô tô: Con ếch trong nồi nước nóng

Phép ẩn dụ xe máy - ô tô với con ếch trong nồi nước nóng của nguyên phó Tổng thống Mỹ AI Gore có sự tương đồng.

TS. Huỳnh Thế Du, Giảng viên trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright

Nguyên phó tổng thống Mỹ Al Gore sau khi thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000 đã dành thời gian cho công tác bảo vệ môi trường và đã được trao giải Nobel Hoà bình vào năm 2007. Ông nổi tiếng với ẩn dụ con ếch trong nồi nước sôi mà ở đó nếu con ếch bị thả vào nồi nước sôi thì sẽ nhảy ra ngay, nhưng nếu nước nóng từ từ thì sẽ bị luộc chín.

Câu chuyện này giúp mọi người nhận thức về hiểm hoạ của trái đất nóng lên. Sự vô thức của con người làm cho trái đất nóng lên giống như chúng ta đang tự luộc mình vậy.

Câu chuyện xe máy cách đây ba thập kỷ và xe ô-tô hiện nay ở Việt Nam là một dạng tương tự.

Khi bắt đầu Đổi mới, phương tiện đi lại chủ yếu của người dân (nhất là ở các đô thị) là xe đạp dùng sức người mà nó được gán cho là hình ảnh của sự mệt nhọc và lạc hậu. Do vậy, niềm mong mỏi của hầu hết các hộ gia đình Việt Nam lúc đó là có được chiếc xe máy. Chiếc Dream II có giá 10 cây vàng là một tài sản giống như một chiếc ô-tô ngày nay.

Lúc đó, hầu hết mọi người đều nghĩ đến sự tiện nghi và sang trọng của những chiếc xe máy chứ ít ai hình dung ra nông nỗi của ngày hôm nay. Nếu ai dám lên tiếng đòi hạn chế xe máy và có mạng xã hội như ngày nay thì có thể nhận được rất nhiều “gạch đá”.

Lập luận nghe quen quen sẽ là: “Xe máy là sản phẩm văn minh, được sản xuất từ Nhật - một quốc gia phát triển mà hạn chế là thế nào? Anh chống lại văn minh à?”

Hậu quả, cùng với cấu trúc của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các hoạt động nhỏ lẻ, phi chính thức và cấu trúc đô thị dạng nhà hẻm, nhà ống đã tạo ra một nền giao thông xe máy ngày nay. Nồi nước xe máy từ từ nóng lên và đến lúc sôi để cả xã hội chịu trận.

Quá chán ngán với xe máy và thu nhập gia tăng, nên giờ đây, niềm mong mỏi của không ít người là có được chiếc xe hơi để đi cho tiện nghi và an toàn.

Cảm giác của người Việt Nam đối với chiếc xe hơi hiện nay có lẽ không khác nhiều với cảm giác hồ hởi với chiếc xe máy cách đây 3 thập niên. Tuy nhiên, nhìn những gì xảy ra với khu vực đô thị ở nhiều nước thì việc gia tăng số lượng ô tô ở các đô thị không khác gì một nồi nước sôi mà nó nghiêm trọng hơn xe máy rất nhiều.

Với tốc độ tăng khoảng 10%/năm như hiện nay và nếu cái đà này tiếp tục thì đến năm 2030, Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh, mỗi nơi có ít nhất thêm 1 - 1,2 triệu xe máy, mà chúng cần diện tích đường tương đương với 5 -6 triệu chiếc xe máy, gần bằng diện tích chiếm đường của toàn bộ xe máy hiện có ở hai đô thị này mà chỉ chuyên chở bằng 1/5 số người.

Xe máy về cơ bản đã bão hòa do số xe đã bằng số người người ở độ tuổi lái xe. Theo xu hướng phát triển thì xe máy sẽ giảm và điều đáng sợ nhất là việc chuyển sang xe ô-tô ở các đô thị. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách ngay từ bây giờ để hạn chế điều này.

Đối với những nơi có mật độ thưa và khoảng cách xa, lựa chọn của đa phần hộ gia đình trong tương lai sẽ là ô-tô. Do vậy, Nhà nước cần tính đến những chính sách để giảm thiểu những tác động tiêu cực của ô-tô. Trong đó, tai nạn là một vấn đề rất nghiêm trọng.

Ví dụ, ở Mỹ đã có thời kỳ gần 55 nghìn người tử vong vì tai nạn giao thông hàng năm với tỷ lệ so với dân số cao hơn rất nhiều so với Việt Nam hiện nay. Hiện tại, hàng năm vẫn có hơn 37 nghìn người Mỹ thiệt mạng do tai nạn giao thông (tỷ lệ hiện tại thấp hơn Việt Nam rất nhiều nhưng rất cao trong các nước phát triển).

Thêm vào đó, rất nhiều nước có nền giao thông ô tô cũng đang có tỷ lệ tử vong so với dân số cao hơn Việt Nam. Điều này cho thấy không có gì đảm bảo rằng việc chuyển từ xe máy sang ô-tô sẽ tự động giảm bớt tổn thất do tai nạn giao thông.

Chuyên mục: Góc nhìn
Huỳnh Thế Du
Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam

Ông Huỳnh Thế Du là giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Ông nhận bằng thạc sỹ quản lý công tại Trường Harvard Kennedy năm 2010 và bằng tiến sỹ tại Trường Kiến Trúc Harvard năm 2013.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *