Góc nhìn 06/06/2018 11:52

Các "đặc khu" và quyền tài phán

Gần đây dân cư mạng trích dẫn Điều 7 của Dự thảo Luật Đặc khu và nói rằng Việt Nam đang đánh mất quyền tài phán tại các khu vực này. Đối với người dân bình thường (không học luật) thì có thể họ không hiểu. Nhưng điều làm tôi buồn nhất là ngay cả một số luật sư, giảng viên luật cũng đồng ý với quan điểm này.

Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI

Có thể họ không có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài, có thể họ không học đến nơi đến chốn môn tư pháp quốc tế trong trường, có thể giáo viên tư pháp quốc tế dạy quá dở, hoặc cùng có thể họ biết cả nhưng cố tình lu loa lên để câu view, hoặc còn vì mục đích nào khác?

Cụ thể, Điều 7 của Dự thảo luật đặc khu nhượng lại những quyền gì?

Trong quyền tài phán về hành chính và về tư pháp, chúng ta không nhượng lại quyền tài phán về hành chính. Tức là toàn bộ các cơ quan hành chính vẫn có quyền như bình thường.

Trong quyền tài phán về tư pháp, chúng ta không nhượng lại quyền tài phán về vụ án hình sự, về vụ án hành chính, về việc dân sự. Tức là các vụ án hình sự, vụ án hành chính, các việc dân sự vẫn thuộc thẩm quyền của toà án Việt Nam như bình thường.

Trong quyền tài phán về tranh chấp dân sự, chúng ta không nhượng lại các vụ án hôn nhân gia đình, dân sự, lao động.

Chúng ta chỉ nhượng duy nhất quyền tài phán về tranh chấp kinh doanh thương mại, gọi nhanh là tranh chấp giữa các doanh nghiệp hoặc nội bộ doanh nghiệp.

Nhưng có phải toàn bộ các tranh chấp giữa các doanh nghiệp sẽ được toà án nước ngoài giải quyết?

Không!

Thứ nhất, Việt Nam vẫn giữ lại thẩm quyền riêng biệt. Thẩm quyền riêng biệt lớn nhất là các vụ án có liên quan đến bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam. Tức là nếu hai doanh nghiệp nước ngoài tranh chấp kinh doanh thương mại mà có liên quan đến bất động sản tại Việt Nam thì vẫn thuộc quyền của toà án Việt Nam.

Thứ hai, Điều 7 xác định rõ là chỉ khi nào có một bên trong tranh chấp là nước ngoài, tức là khi doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ làm ăn kinh doanh với doanh nghiệp nước ngoài thì mới có thể thuộc thẩm quyền của toà án nước ngoài. Còn nếu 2 doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh với nhau thì vẫn thuộc toà án Việt Nam.

Thứ ba, thẩm quyền của toà án nước ngoài vẫn phải xếp sau sự thoả thuận của các bên. Ví dụ, khi doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài và trong hợp đồng ghi rõ “nếu có tranh chấp thì ra toà án Việt Nam” thì toà án Việt Nam vẫn có quyền.

Còn về vấn đề áp dụng luật, quyền tài phán và thi hành pháp quyết. Trong các vụ án có yếu tố đa quốc gia thì luôn có 3 câu hỏi đặt ra: (1) Luật nào sẽ được áp dụng? (2) Cơ quan/toà án nào có thẩm quyền giải quyết? và (3) Phán quyết của cơ quan/toà án đó được công nhận và thi hành tại đâu? Và 3 câu hỏi này độc lập với nhau.

Chuyện một tranh chấp thương mại do toà án Úc xử, theo luật của Pháp và thi hành phán quyết tại Trung Quốc là điều vẫn thường thấy trong thương mại quốc tế.

Với thế giới hội nhập như ngày nay, quan hệ kinh doanh có yếu tố nước ngoài là hết sức bình thường. Khi các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam ký kết hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam, cả 2 bên sẽ phải lo về rủi ro hợp đồng, nếu bên kia không tuân thủ thì mình làm thế nào?

Trong 3 câu hỏi trên, câu hỏi 1 được trả lời một cách rộng mở nhất. Nhiều trường hợp, các bên sẵn sàng thoả thuận với nhau rằng nếu có tranh chấp, chúng ta sẽ áp dụng luật của Anh, của Mỹ, của Trung Quốc… Phần 5 của Bộ luật Dân sự Việt Nam đã mở vấn đề này lâu rồi, và đó là mức độ mở của chúng ta vẫn còn là rất đóng so với các nước khác.

Câu hỏi thứ 2 về quyền tài phán thì Việt Nam cũng đã mở, cho phép các bên lựa chọn trọng tài trong nước và nước ngoài, nhưng bây giờ cho phép thêm các bên lựa chọn toà án nước ngoài. Đó là một bước mở thêm nhằm thu hút đầu tư.

Thông lệ quốc tế gọi vấn đề này là quyền tài phán ngoài lãnh thổ và nó rất phổ biến, đặc biệt trong những vấn đề kinh doanh thương mại.

Việc mở rộng thêm cho toà án nước ngoài giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, khi có một bên là nước ngoài, khi không dính đến bất động sản của Việt Nam, và khi không thoả thuận dùng toà án Việt Nam, là một thứ mở rất tí hon về mặt chủ quyền, nhưng lại có ý nghĩa lớn trong thu hút đầu tư.

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế, VCCI

Nguyễn Minh Đức sinh ngày 22 tháng 7 năm 1987, tốt nghiệp đại học là cử nhân Luật và hiện đang là thành viên Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *