Góc nhìn 29/05/2018 07:26

Bao giờ hết “giải cứu nông sản”?

Đến hôm qua, mới thấy “nghi phạm” chưa rõ tên khiến mỗi công chức phải mua 9 kg ớt tuần trước xuất hiện.

Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao

Trên mạng xã hội với giọng hài cay đắng, anh Nguyễn Sơn Trung kể rằng: “Do mưa kéo dài suốt những tháng cận Tết, qua tới đầu năm mới có thể gieo giống. Trồng ớt mùa hè là không tốt, anh khuyên nông dân Quảng Trị đổi sang trồng thứ khác.

Cả nông dân và chính quyền không đồng ý, nhất là chính quyền, họ cho rằng, không thể thay lời, đã nói trồng ớt là trồng ớt. Rồi ớt bị bệnh năng, hỏng ngay trên cây. Nông dân thấy vậy, xịt thuốc sâu vô tội vạ. Doanh nghiệp bỏ hàng, không mua do không đạt chất lượng.”

Vậy sao tỉnh nói với báo chí là doanh nghiệp bẻ kèo do thị trường rớt giá? Và buộc công chức mua thứ trái bị sâu bệnh lại ngậm đầy thuốc trừ sâu, làm sao ăn? 

Qua thông tin từ anh Trung, nếu đúng, thì có một điều rõ ràng: doanh nghiệp không bẻ kèo do giá thị trường rớt, sợ bị lỗ. Nhưng vẫn còn nhiều điều khó hiểu: trồng ớt trái mùa không tốt sao vẫn trồng? Ớt bị sâu bệnh năng, sao không cản việc lạm dụng thuốc sâu? Không lấy hàng sao không nói lý do, để bị giải thích sai...? Ớt ngậm thuốc sâu, sao còn ép bán cho công chức?

Dù ngỗn ngang nhiều câu hỏi, chung quy vẫn là thiếu sự chia sẻ giữa chính quyền, nông dân và doanh nghiệp. Yếu tố quan trọng nhất nổi bật trong câu chuyện này là, quá coi nhẹ tiêu chuẩn và tính an toàn. Không thể bán cho ai nếu ớt không đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng. 

Quả thực, với tiêu chuẩn thì nông dân còn hết sức mơ hồ. Nền nông nghiệp mình xưa nay chưa từng đặt “tiêu chuẩn - chất lượng” thành cốt tử, chủ yếu mình coi trọng số lượng và thành tích. Nay phải đặt tiêu chuẩn nặng vậy vì lợi ích chính đáng của người tiêu dùng mà cũng là yếu tố được nhà nhập khẩu thế giới xem xét đầu tiên. Và nó cũng đang làm cho nông sản Việt Nam lên bờ xuống ruộng hiện nay (chất cấm trong cá tra, tôm xuất khẩu, trong trà, gạo, trái cây...bị FDA và các cơ quan kiểm định EU liên tiếp cảnh báo xuất khẩu đang diễn ra hàng ngày). 

Về tiêu chuẩn thì chỉ có cách tạo nhận thức, hướng dẫn và tiến hành làm chứng nhận, sau đó là liên tục kiểm tra việc tuân thủ. Cho đến khi nông dân quen, thành tự nhận thức và tuân thủ tự nguyện, vì lợi ích chính mình.

Việc quan trọng nữa của cạnh tranh nông sản là tìm giá trị gia tăng, và tìm thị trường. Về giá trị gia tăng, không đâu cung cấp ví dụ tốt hơn Thaifex mà tôi đang tham gia. Vừa đến gian hàng Việt Nam, được ban tổ chức xếp vào gian “thực phẩm cao cấp”, thấy ngay bên canh là một “ngôi nhà có lầu màu đỏ và đen, treo hình một quả ớt to năm gang, làm giá treo tấm bảng tên thương hiệu. 

Vai trò của chế biến thì Bộ Nông nghiệp ta ý thức rất rõ, thể hiện là đã thành lập Cục mới chuyên về chế biến. Nhưng chế biến đâu chỉ việc của Bộ Nông nghiệp. Còn là việc của ngành sáng tạo, nghiên cứu thị trường (chế biến theo nhu cầu thị trường) và cả công nghệ. 

Chế biến là việc của rất nhiều người: nghiên cứu, thử thị trường, sản xuất. Còn tìm thị trường là việc căn cốt hơn kém nhau rất rõ giữa chuyên gia các nước. Và đó là việc của nghiên cứu+ kinh doanh. Vì vậy mà Israel mới nở rộ hình thức biz-lab, đem hai nhà: nghiên cứu và kinh doanh lại ngồi gần nhau, phối hợp chặt chẽ với nhau ngay từ khâu nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Hôm nói chuyện với 80 nông dân nòng cốt của 30 Hội quán ở Đồng Tháp, tôi thấy họ khá rành rẻ thông tin và trao đổi thật sôi nổi, cởi mở. Cuối cùng, họ yêu cầu tôi đưa ra những việc cụ thể cần làm ngay. 

Tôi nói ngay: chỉ cần đề nghị lãnh đạo quan tâm giúp 2 việc, một là đề nghị các Sở cùng đại học Đồng Tháp lập ra một nhóm nghiên cứu thị trường, tập trung nghiên cứu một số ngành và các quốc gia bạn hàng chính rồi có cơ chế thông tin thường xuyên cho nông dân (tạo thói quen coi tin tức thị trường là cơm gạo hàng ngày).

Thứ hai là tổ chức một nhóm chuyên gia năng động (trẻ, có sức khỏe, sử dụng tốt tiếng Anh, biết về ngoại thương) rồi chọn lọc kỹ và đi tham dự chừng 6 hội chợ quốc tế chuyên ngành uy tín có liên quan (ví dụ hội chợ thực phẩm, thủy sản, gao, trái cây). Khi về, họ sẽ chia sẻ thông tin, cơ hội cùng các hội quán. 

Công việc tiếp theo cũng rõ, nhưng cần có những thông tin sát thực và mới mẻ để xử lý.

Chuyên mục: Góc nhìn
Vũ Kim Hạnh
Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao

Bà Hạnh từng là một trong những Tổng Biên tập nổi tiếng của báo Tuổi trẻ. Hiện nay bà về hưu và trở thành Chủ Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *