Góc nhìn 13/09/2020 16:56

Ba yếu tố quản trị dòng tiền trong đầu tư

Yếu tố nào là quan trọng nhất trong việc quản trị dòng tiền? Khi đầu tư có nên dùng margin hay không, và nếu dùng thì khi nào dùng, tỷ lệ như thế nào?

Nguyễn Hồng Điệp

Chuyên gia Chứng khoán - CEO Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư S-Talk

Tôi có một ông cậu sang Mỹ hồi những năm 80 của thế kỷ trước. Ông rất thông minh, học giỏi và có ý chí. Ông đi làm cho một ngân hàng lớn, lương rất cao lên đến gần 300.000 USD/năm. Mấy năm trước ông mua một căn biệt thự ven biển, giá gần 2 triệu đô. Rất lạ là ông vay đến 80% trị giá căn nhà, trong khi ông có dư tiền để trả hết.

Khi tôi thắc mắc hỏi ông, ông cười và nói: bên này ai cũng vậy, tội gì dùng tiền của mình, dùng tiền vay 30 năm, lãi suất cũng chả bao nhiêu, còn tiền của mình mang đi đầu tư, lợi hơn.

Quả thật, xã hội Mỹ được xây dựng trên nền tảng "đòn bẩy tài chính". Hầu như dân Mỹ luôn vay nợ khi mua bất cứ thứ gì. Đây là điểm rất khác với chúng ta. Hầu hết chúng ta "sợ nợ vay", càng nhỏ lẻ càng sợ vay nợ.

Vậy yếu tố nào là quan trọng nhất trong việc quản trị dòng tiền? Khi đầu tư có nên dùng margin hay không, và nếu dùng thì khi nào dùng, tỷ lệ như thế nào? Đây là câu hỏi rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) cá nhân luôn đặt ra. Có ba yếu tố cốt lõi dành cho các NĐT cá nhân như sau:

Yếu tố thứ nhất là Phân bổ dòng tiền.

Rất nhiều người cũng chia tiền của mình ra làm nhiều phần, phần để mua mảnh đất cắm dùi, phần mua vàng giữ gầm giường, một phần thì gửi tiết kiệm, phần khác thì "đánh chứng". Điều này không sai, nhưng chưa đủ.

Muốn phân bổ dòng tiền hợp lý việc đầu tiên phải phân loại rủi ro và đặt ra mục tiêu, kỳ vọng lợi nhuận. Rõ ràng, những loại hình như gửi tiết kiệm hầu như không có mạo hiểm, lợi nhuận cũng sẽ rất thấp nếu chiết khấu lạm phát. Còn mua đất đai về cơ bản rủi ro mất vốn cũng không cao, nhưng khả năng "kẹp" là có. Còn Chứng khoán lại khác. Đây là loại hình đầu tư cao cấp, đòi hỏi tri thức và kinh nghiệm, bản lĩnh và may mắn. Nhưng nếu thành công, lợi nhuận là vô cùng hấp dẫn. Trong giai đoạn hiện nay, tôi sẽ chủ yếu chọn đầu tư vào 2 kênh: chứng khoán và bất động sản.

Yếu tố thứ hai là quản trị rủi ro (QTRR).

Đây là yếu tố cốt lõi trong đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực chứng khoán. Trước khi học "kiếm lời", hãy học bảo vệ vốn. Bảo vệ vốn không hẳn chỉ là phương pháp "cắt lỗ", mà quan trọng nhất là xác định rõ số vốn chúng ta có thể mất, trước khi vào "cuộc chơi".

Rất nhiều người hay lầm tưởng việc không dùng margin là phương pháp an toàn, là QTRR tốt. Thực ra, bản chất chứng khoán là cuộc chơi tài chính của "đòn bẩy". Phải học hỏi và rèn luyện kỹ năng, để có thể sử dụng nó một cách hiệu quả nhất.

Đầu tư là một ngôi trường, mà ở đó học sinh lớp 1, lớp 2, kiến thức còn sơ khai, nhưng những học sinh lớp 12 đã rất "sành sỏi".

Như vậy, nếu bạn là những học sinh mới, dạng cấp 1, thì không nên dùng Margin. Còn một khi bạn đã học cao lên, thì hãy cứ sử dụng công cụ này một cách thoải mái. Đặc biệt, nếu là học sinh giỏi, lớp cuối cấp, có thể dùng margin ở tỷ lệ cao.

Poker là môn có nhiều điểm khá tương đồng với chứng khoán. Bạn thua một giải đấu, đứng lên ra về với sự "cháy túi". Nếu bạn không thể tiếp tục buy in vào một lần khác, thì điều đó chứng tỏ bạn nên bỏ Poker. Chứng khoán cũng vậy, bạn nên chia tiền đầu tư ra làm nhiều phần, nếu chắng may "cháy" lần này, cũng vẫn có thể "phục thù" vào lần khác.

Yếu tố thứ ba là Phương pháp dòng tiền.

Ngoài việc phân bổ và quản trị rủi ro, việc "đi tiền" cũng rất quan trọng. Phải xác định được trend chung, chọn lựa được mã mạnh. Sau đó xây dựng chiến lược "đi tiền". Có những lúc phải "thò một chân" vào trước, rồi sau đó mới bước nốt chân kia, thậm chí "xuống xác", all in.

Kinh nghiệm cho thấy rằng, người lời nhiều nhất không phải là người mua được cổ phiếu ở vùng đáy, mà là người ra vào hợp lý, sử dụng margin đúng lúc.

Năm nay là một năm đặc biệt. Covid-19 không chỉ thay đổi hệ thống xã hội, kinh tế, mà còn dạy chúng ta nhiều bài học về đầu tư.

Sự mạo hiểm, rủi ro trong cuộc sống, trong đầu tư là luôn hiện hữu. Chúng ta chỉ có thể làm giảm thiểu nó khi xây dựng các phương pháp, nguyên tắc đầu tư. Chứng khoán đòi hỏi sự nhẫn nại, học hỏi không ngừng. Chỉ có như vậy, con đường đi đến thành công mới mở ra cho tất cả chúng ta.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *