Góc nhìn 10/02/2019 18:22

AI và cây tri thức cá nhân hoá

Ý tưởng về một dự án xã hội giúp chống sốc cho người Việt Nam trước cách mạng công nghệ. Dùng AI để mô hình hoá tri thức và khẩu vị thông tin của mỗi người, từ đó lôi mọi người vào thói quen cập nhật tri thức một cách liên tục với các nội dung thông tin được cá nhân hoá và gợi ý ở mức cao.

Lê Công Thành - Chuyên gia trí tuệ nhân tạo (Al):

Gần đây tôi đọc được một bài báo khá hay về những lời khuyên của Elon Musk. Anh ấy khuyên mọi người cách để học nhanh mọi thứ trên đời (và trở nên thông minh hơn). Như sau:

1. Đọc tất cả mọi lĩnh vực

2. Trao đổi, tương tác với những người thông minh

3. Định hình trong đầu được cây tri thức của nhân loại

Ý thứ 3 tôi cảm thấy rất hay. Nó khá gần với hướng tiếp cận AI mà công ty tôi đang theo đuổi: biểu diễn mọi thông tin dưới dạng đồ thị. Nó hay ở chỗ dù tiếp cận theo hướng analytics hay synthetics thì cách biểu diễn này đều đáp ứng tốt. Thế giới là một dynamic system lớn, tri thức của thế giới cũng vậy. Mọi tri thức của các ngành khác nhau vốn luôn được liên kết chặt chẽ với nhau chứ không chỉ tách rời thành các mảng chuyên biệt. Ví dụ nhờ việc tìm hiểu về vật lí, khoa học thần kinh và phân tâm học, tôi tự nhận thấy tôi hiểu sâu hơn về AI và thậm chí cả kinh tế học và các mô hình quản trị doanh nghiệp.

Hướng tiếp cận trên thực ra không mới, Google đã dùng knowledge graph trong máy tìm kiếm của tôi từ năm 2012 và từ đó bắt đầu cung cấp cho nhân loại được máy tìm kiếm có khả năng cá nhân hoá thông tin vượt trội. Facebook cũng là một hệ đồ thị khổng lồ và nhờ thế cung cấp được cho từng người các thông tin cá nhân hoá khá mềm dẻo, kết hợp được cả quảng cáo và nhu cầu thông tin của mọi người một cách khá tự nhiên.

Cách đây một thời gian, tôi nói chuyện với anh Hiếu, tổng giám đốc ngân hàng An Bình. Anh Hiếu có chia sẻ một cách phát triển tư duy rất thú vị: anh thường xuyên đọc các câu nói nổi tiếng của các vĩ nhân trong lĩnh vực tôi quan tâm và suy ngẫm, tìm cách trích rút tri thức trong đó ra áp vào cuộc đời thực. Anh ấy thực hiện rất thành công.

Tôi cũng hay tìm hiểu các lĩnh vực mới. Thông thường với một lĩnh vực mới tinh, tôi sẽ tìm hiểu bằng cách liệt kê ra những người nổi tiếng nhất trong lĩnh vực đó, gạch bớt đi chỉ giữ lại cỡ 10 người rồi đọc nhanh tiểu sử của từng người một. Bằng cách đó tôi có được hình dung về bức tranh khái quát của ngành tôi đang quan tâm, sau đó mới đi vào các kiến thức chi tiết hơn. Tôi thấy khá hiệu quả.

Nên là tôi muốn thử xây ra một cây tri thức của nhân loại nhưng không dựa trên tên các chuyên ngành vội mà dựa trên tên của những người là trụ cột trong các ngành, kèm theo tiểu sử và các câu nói nổi tiếng của họ. Biết đâu việc ngồi lần mò trên cái cây đấy lại là một cách giúp chúng ta dễ dàng tiếp cận cách học của anh Elon Musk hơn? Đọc tiểu sử thì như đọc truyện, ai cũng đọc được. Đọc các câu nói nổi tiếng thì còn dễ hơn nhiều. Lắm người yêu các cuốn lịch xé trên tường chỉ vì các câu nói thông minh ấy. Biết được khẩu vị thông tin của từng người là sẽ duy trì được việc học liên tục của họ, chỉ thông qua những chiếc điện thoại, hệt như việc khiến bọn trẻ con nghiện YouTube.

Thời đại của AI, người ta sẽ có thể mất việc rất nhiều, nhất là những người gò bó bản thân với các kiến thức chuyên ngành hẹp của tôi mà không mở rộng kiến thức liên quan tới các ngành khác. Hoặc các công nhân, những người nông dân, những người buôn bán nhỏ lẻ, ít có điều kiện cập nhật tri thức. Ngược lại, người có kiến thức đa dạng sẽ là người không chỉ có tầm nhìn xa hơn mà còn có khả năng khai phóng, thích nghi liên tục với sự biến đổi của xã hội, tự tìm được một cách rất tự nhiên các công việc, nghề nghiệp mới, không sợ bị cách mạng công nghệ đào thải.

Hệ thống trên bằng tiếng nước ngoài có thể đã có nhưng tiếng Việt hình như chưa và nó cũng rất cần được cập nhật liên tục, mọc rễ thật sâu, phân nhánh thật dài. Có ai muốn cùng tôi lập ra một dự án cộng đồng như vậy để giúp người Việt Nam thích nghi hơn với sự biến đổi của công nghệ và dễ dàng hơn trong việc học cả đời không?

Coi như một nỗ lực hỗ trợ xã hội thích nghi hơn với cách mạng công nghệ. Wikipedia bây giờ đã là một kho tri thức đồ sộ nhưng chưa có khả năng cá nhân hoá. Youtube có khả năng cá nhân hoá thì lại bị các thông tin giải trí gây nhiễu nặng. Làm thế nào để tạo ra được một hệ thống mà hằng triệu người nông dân, công nhân mê mẩn trên đó mỗi ngày?

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *