Góc nhìn 21/12/2017 08:40

10 câu hỏi sau thương vụ bán Sabeco

Khi mới nghe tin vụ bán (cổ phần) Sabeco, không phải 51%, tới 54%. Vốn ghét nhậu nhẹt, đáng lý phải cười, bảo bán hắt đi cho rồi. Nhưng sau mấy ngày nghĩ, tôi lại bỗng muốn hỏi một hơi 10 câu hỏi muộn. Xin thử hỏi...

Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao

Đầu tiên, Sabeco đang chiếm tới 41% thị phần VN. Ai làm ăn cũng biết, dù thị trường nào, cũng hiếm có DN hàng tiêu dùng nào mạnh vậy, sao đành bán?

Thứ 2, sau 7 năm vận động “Ưu tiên dùng hàng Việt” thì nay những thương hiệu Việt mạnh nhất lại muốn đem bán hết, phải chăng vận động cho mạnh để...bán?
Điều thứ 3 là, nước nào cũng cố gây dựng cho được những thương hiệu mạnh nổi tiếng để làm hình ảnh, bộ mặt tiêu biểu của quốc gia. Một thương hiệu dám “chơi tay vo” thắng Heineken, Tiger, Sapporo...thì cũng là “thương hiệu quốc dân” đó chứ?


Tiếp đó là đến việc, thoái vốn nhà nước khỏi tất cả công ty nhà nước? Đúng, nhưng có nhất thiết phải bán bằng được cho nước khác chứ không phải cho nhà đầu tư trong nước? Nếu có ít tiền hơn, bài toán chủ sở hữu thương hiệu cho quốc gia liệu có cần cân nhắc?
Nhìn ở khía cạnh khác, nhà kia có tình cảnh: nhà nghèo, nhưng có bao nhiêu tiền đem nuôi mấy thằng con lớn to xác, làm biếng, ham chơi, ngỗ ngược. Mấy đứa con khác, vốn bị thầy bà nói là “khắc tuổi” nên bị ghét, bỏ bê, tuy thông minh chịu khó nhưng cứ suy dinh dưỡng, èo uột lớn hổng nổi. Hiếm hoi có vài đứa lớn kha khá, đem bán, bán hết, mai mốt tan nhà nát cửa, còn gì?
Thế nhưng, khi cần bán vì túng quá, sao không dừng để lấy 49 đồng, vẫn giữ con mình, là của mình, mà cứ phải lấy tới 54 đồng để “nó” phải đổi chủ về tay người ta?
“Chợ đời” có bán có mua, con mình có ngon người ta mới gánh tiền khủng tới mua. Nhưng mình bán một, ba, năm, bảy... đứa vào loại khá nhất, ngon nhất rồi liệu có thiệt sự là có tiền, có lực để đi mua lại vài ba đứa ngon cỡ vậy của nước khác, để gọi là có bán có mua?
Câu hỏi băn khoăn tiếp theo, đây là bước đi tình cờ hay cái bẫy thâu tóm tính sẵn? Khi tháng 4/2016, nhà nước Thái Lan ráp nối bộ bốn cùng làm chương trình “Pracha Rath”. Trong đó, Chính phủ Thái giúp DN SME Thái đầu tư ra nước ngoài. Một mục đích được nêu công khai là: “tính sổ” thiệt gọn thị trường 4 nước yếu trong Asean, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, giao hẳn cho Berli Jucker (BJC) thâu tóm thị trường Việt Nam.

Đại gia BJC bắt đầu mua toàn hệ thống Metro C&C, bình thản hạ dần rồi tiễn luôn hầu hết hàng Việt Nam ra ngoài, dành toàn bộ cửa hàng cho DN nhỏ và vừa Thái. Giờ ông mua tới DN hàng tiêu dùng mạnh nhất nhì của cả Việt Nam. Rồi sao nữa khi ông đã nắm cả chợ, lẫn những mặt hàng mạnh nhất?
Và một điều nữa, ai ngồi đếm số hội chợ Thái đang tổ chức đồng loạt, liên tục khắp cả 3 miền được chính phủ Thái khôn khéo ủng hộ đúng luật quốc tế. Hàng Thái thay hàng Tàu, nhưng nhờ đâu họ hoạch định và thực thi được tất cả những gì họ muốn? 
Cuối cùng, nghĩ từ Sabeco. Liệu có cần cân nhắc giữa 2 con toán: Những đồng tiền khủng thu vội ăn xổi, với giá trị, tài sản của tương lai bền vững? Vì sao ta không nghiên cứu bước đi của các nước Asean khác, đều đang ra sức bồi đắp nội lực, nâng bước cho DN nước họ cho đủ sức ra ngoài cạnh tranh với thế giới? Bình tĩnh nghĩ lại đi, chính sách của ta đang làm gì cho doanh nghiệp?

Chuyên mục: Góc nhìn
Vũ Kim Hạnh
Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao

Bà Hạnh từng là một trong những Tổng Biên tập nổi tiếng của báo Tuổi trẻ. Hiện nay bà về hưu và trở thành Chủ Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *