Góc nhìn 13/04/2018 09:33

“Nghi ngờ tính minh bạch của cơ sở tăng giá xăng dầu”

Giá xăng, dầu quyết định yếu tố đầu vào của nền kinh tế và các yếu tố đầu ra của nhiều các lĩnh vực nên cần được kiểm soát chặt chẽ.

TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia Kinh tế

Việc Liên Bộ tăng giá đồng loạt các mặt hàng xăng, dầu trong kỳ điều hành lần này có tác động tiêu cực đến mặt hàng giá chung trong thời gian tới. Điều này gây nguy cơ làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 cũng như các tháng tiếp theo tăng cao, làm ảnh hưởng đến việc kìm chế gia tăng tốc độ lạm phát.

Cuối tháng 3 vừa qua, Tổng cục Thống kê công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2018 tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2017. Việc tăng này do các địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế và thực hiện lộ trình tăng học phí.

Bên cạnh đó, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong 3 tháng đầu năm tăng khá mạnh, làm giá xăng dầu bình quân quý I tăng 9,18% so với cùng kỳ, đóng góp 0,38% vào mức tăng CPI chung.

Tăng giá xăng, dầu chắc chắn làm tăng chỉ số giá cả và việc tăng này sẽ diễn ra ở nhiều vòng, trong kinh tế học gọi là cân đối liên ngành. 

Và khi giá xăng, dầu tăng sẽ dẫn đến chi phí vận tải tăng, chi phí vận tải tăng sẽ kéo theo giá các sản phẩm khác tăng lên. Ví dụ giá xi măng tăng là yếu tố đầu vào của nhà đất, giá nhà sẽ tăng lên khiến giá thuê nhà tăng theo, những người cho thuê lại tăng giá cho thuê nhà. 

Khoảng sau 3 tháng khi giá xăng dầu tăng sẽ có tác động đầy đủ đối với liên ngành, khi đó chúng ta mới biết được hết, còn hiện nay, giá xăng dầu mới tăng sẽ chỉ tiếp tục làm tác động về giá giữa các ngành với nhau. 

Chính vì thế, liên bộ phải công bố các giá xăng để người dân biết và xem xét mức độ hợp lý. Hiện nay, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nói rằng họ nâng giá xăng là do giá xăng quốc tế tăng. Nhưng theo tìm hiểu, giá xăng quốc tế tăng không nhiều đến như thế, vả lại giá xăng thế giới tăng không có tác động nhiều đến giá nguyên liệu etanol.

Nếu không công khai, minh bạch về giá, rất khó kiểm soát được giá cả thị trường, trong khi yêu cầu kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu như giá xăng dầu, giá điện vừa được chính liên Bộ Công Thương - Tài chính đưa ra tại Cuộc họp điều hành giá tháng 3, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng.

Chuyên mục: Góc nhìn
Lê Đăng Doanh
Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế

Ông Lê Đăng Doanh, sinh năm 1942 ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học tại trường Đại học Kỹ thuật Leuna-Merseburg (Đức) năm 1967, ông sang Moskva năm 1984 để học bồi dưỡng về quản lý kinh tế và được cấp chứng chỉ tại Viện hàn lâm kinh tế quốc gia Nga.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *