Dòng chảy vốn 03/10/2014 14:48

Vụ Metro Việt Nam bị điều tra thuế, Hiệp hội bán lẻ sẽ… “đấu” đến cùng

FICA - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ ủng hộ điều tra của cơ quan thuế với Metro Việt Nam và tiếp tục kiến nghị các hành vi vi phạm của Công ty này với thị trường và ngành.

“Doanh nghiệp bán lẻ trong nước chỉ không nộp thuế 2 năm thôi thì “đừng mong” có thể hoạt động được. Đằng này, Metro không nộp thuế 11 năm trong 12 năm hoạt động mà vẫn được phép hoạt động, tôi thấy thực sự lạ…”.

 

Đây là một trong những bức xúc của bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Viêt Nam (VAR) ngay trong Hội thảo Chính sách Đầu tư và xu hướng Phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam” được diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

 

 

Tổng cục thuế đã có quyết định thanh tra thuế đối với Công ty Metro Việt Nam, để làm rõ vì sao doanh nghiệp này lỗ triền miên như vậy.

 

"Đi đến cùng" sai phạm Metro

 

Theo bà Loan, Hiệp hội bán lẻ cũng là đơn vị đi đầu trong việc đệ đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng về những dấu hiệu sai phạm của Metro như: sai phạm về bán lẻ khi họ đăng ký bán buôn; đặt sai địa điểm so với quy định hạ đặt các đại siêu thị bán buôn – bán lẻ cách xa thành phố và nhất là nghi ngờ Metro trốn thuế, chuyển giá trong nhiều năm do luôn báo lỗ mà vẫn mở rộng mỗi năm hơn 1 siêu thị. Chúng tôi đang theo dõi sát sao và tiếp tục kiến nghị đến cơ quan chức năng về những dấu hiệu vi phạm của Metro trong thời gian qua.

 

Chủ tịch AVR cho biết kể đã “để ý” đến các hoạt động của Công ty này tại Việt Nam và là đơn vị đầu tiên gửi đơn kiến nghị điều tra đến Bộ Công Thương, Kế hoạch & Đầu tư và Bộ tài chính về nghi ngờ hành vi trốn thuế, dấu hiệu vi phạm quy định kinh doanh của Metro tại Việt Nam.

 

“Chúng tôi phát hiện ra, Metro đã lỗi 10 điểm, trog đó rõ nhất là: hành vi trốn thuế thu nhập doanh do báo lỗ song vẫn mở rộng hoạt động trung bình mỗi năm hơn 1 siêu thị. Hai là vi phạm quy định đăng ký kinh doanh khi Metro đăng ký bán buôn nhưng nhiều năm đã bán lẻ và thứ ba là đặt các siêu thị ngay tại trung tâm 1 số thành phố lớn”, bà Loan chỉ rõ.

 

Theo bà Loan, quy định các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam hiện nay phải đặt các siêu thị cách xa trung tâm thành phố, vùng lõi từ 10 – 15 km. Nhưng nhiều siêu thị của Metro Việt Nam đang rất gần trung tâm, lõi đô thị. Lý giải về điều này, bà Loan nhận định: kể từ khi vào Việt Nam, Metro chỉ mở mấy siêu thị tại hai thành phố Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng họ cam kết và thực hiện cam kết rất đúng các quy định pháp luật. Tuy nhiên, càng ngày, do nhiều ưu ái của địa phương nên rất nhiều đại siêu thị của Metro nằm “chình ình” ngay giữa trung tâm thành phố.

 

“Quy hoạch bán buôn khác với bán lẻ, bán buôn là ở cửa ngõ thành phố, xa dân cư để cho các kênh phân phối bán lẻ khác tiếp cận nguồn hàng và lấy từ đây đưa vào thành phố. Nhưng Metro lại xây sai quy hoạch, đặt ngay giữa trung tâm. Rõ ràng họ có ý đồ xâm nhập bán lẻ từ lâu thông qua địa điểm xây dựng và theo quan sát của chúng tôi thực tế họ đã và đang thực hiện bán lẻ từ nhiều năm nay”. Bà Loan cho biết

 

Cũng nêu ý kiến về việc “phớt lờ” quy định của Nhà nước và có dấu hiệu vi phạm quy định đăng ký kinh doanh, theo ông Vũ Minh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng: “Cơ chế và thực hiện các cơ chế này ở thị trường bán lẻ hiện nay đang rất mù mờ, nói ví von đi vào thị trường bán lẻ hiện nay như là… “đeo kính râm khi trời tối”.

 

Theo ông Phú: các đại gia bán lẻ có tiềm lực rất lớn và “ăn đứt” các DN nội, nếu chúng ta tiếp tục nhìn thấy họ sai mà không làm gì được thì thì trường sẽ càng rối ren. Tình trạng địa phương ưu ái đại gia bán lẻ ngoại, theo ông Phú khẳng định là có và hệ quả nó đang khiến thị trường méo mó, DN Việt chịu thiệt.

 

Doanh nghiệp bán lẻ: "Không cần ưu đãi, chỉ cần công bằng"

 

Theo lộ trình đến 2018, các DN có 100% vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài sẽ được quyền mở kênh bán lẻ tại Việt Nam. Họ sẽ kinh doanh, buôn bán và làm ăn như các DN Việt Nam mà không chịu bất cứ ràng buộc nào về đầu tư cũng như chính sách bảo hộ thị trường dịch vụ bán lẻ. Đây được nhìn nhận là thách thức lớn, cạnh tranh trực tiếp và sống còn cho các DN bán lẻ Việt.

 

Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan hữu quan nên đưa ra biện pháp, lộ trình để bảo vệ các DN trong nước như: quy định % hàng Việt được bày bán trong siêu thị ngoại. Các mặt hàng nào được bày bán và không được bày bán như (lương thực, thực phẩm). Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng họ không cần những ưu đãi mang tính ngắn hạn như vậy, họ chỉ cần được đối xử công bằng và môi trường kinh doanh bán lẻ được minh bạch hóa, điển hình nhất là việc điều tra vụ Metro hiện nay.

 

Ông Vũ Minh Phú chia sẻ: “Bây giờ có phải giai đoạn đầu của hội nhập WTO đâu mà phải trải thảm đỏ, quá ưu ái các DN ngoại vào thị trường bán lẻ để họ dùng nhiều “thủ đoạn” đè nén DN nội. Nói gì thì nói, DN nội của chúng ta đã lớn và trưởng hơn so với trước, chúng tôi chỉ cần thị trường minh bạch để tự phát triển”.

 

Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, nếu bảo hộ 5 năm  hay 10 năm nữa, DN Việt Nam sẽ chỉ lớn thêm 1 tý mà các DN ngoại lại trưởng thành hơn nhiều. “Tôi đã nhiều năm “cùng ăn, cùng ngủ” với bán lẻ tôi rất hiểu các DN Việt Nam đang cần gì và phải làm gì. Họ chỉ cần được đối xử công bằng, được minh bạch hóa “môi trường sống” hiện nay để thuận lợi cho phát triển”.

 

Ông Đoàn chia sẻ kinh nghiệm, “Khi tôi sang Trung Quốc, vào các trung tâm siêu thị của họ, công nghệ đặt hàng - xếp hàng - trưng bày thanh toán của họ rất hiện đại, hơn rất nhiều so với các DN Việt Nam. Tuy nhiên, tại đây nhiều chuyên gia Nhật Bản còn đánh giá, Trung Quốc phải 10 – 20 năm nữa mới đuổi kịp được công nghệ bán lẻ của Nhật Bản. Vậy, nếu bảo hộ, ưu đãi thử hỏi mấy năm nữa DN bán lẻ Việt Nam có đủ sức cạnh tranh với họ hay không và chúng ta sẽ ở đâu?”

 

Mặt khác, để phát triển, các DN bán lẻ cần biết tìm kiếm cơ hội liên kết chuỗi, liên doanh DN nước ngoài. Nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian dài DN bán lẻ không tự kiện toàn được thủ 5 – 10 năm thậm chí bảo hộ lâu hơn nữa liệu có làm được không? Nếu đưa ra các biện pháp bảo hộ chúng ta sẽ đi ngược lại xu hướng và vấp phải các cam kết mở cửa với quốc tế.

 

Theo ông Đoàn, lúc này giải pháp quan trọng là các DN bán lẻ Việt nên tìm kiếm cơ hội liên doanh với đối tác ngoại để tranh thủ khi chúng ta còn “giá” – (quy định hiện vẫn cấm các DN ngoại đầu tư 100% cửa hàng, siêu thị bán lẻ tại Việt Nam và chỉ mở sau năm 2018). “Cơ chế này, DN nội sẽ tranh thủ được vốn, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý. Nếu không khi mở cửa hoàn toàn DN bán lẻ Việt Nam sẽ rất khó để liên doanh hay cạnh tranh với các DN bán lẻ ngoại”.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *