Dòng chảy vốn 30/11/2014 16:21

Vốn “quay lưng", doanh nghiệp nông thôn lâm trăm thế khó

FICA - Tốc độ tăng trưởng không đáng kể, đổi mới thụt lùi, năng suất sản xuất giảm và đặc biệt là vốn đầu tư cho các doanh nghiệp ở nông thôn gặp nhiều hạn chế…

Bị vốn ngoại "quay lưng", ngân hàng "ngoảnh mặt" thời gian gần đây, doanh nghiệp nhỏ hoạt động tại nông thôn khổ nhiều bề. Những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNNV) đã đưa ra tại Hội thảo Vai trò Khối tư nhân trong Phát triển Nông nghiệp, nông thôn vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây..

 

Nông nghiệp "mất mùa" triền miên vốn FDI trong mấy năm qua

 

Theo điều tra của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) từ năm 2005 đến 2013 tại 10 tỉnh thành phố, số lượng DNVVN tại khu vực nông thôn đang có xu hướng tăng lên nhưng không đáng kể (từ 56,33% năm 2005 lên 56,85% năm 2013), trong khi tại khu vực thành thị lại giảm đi (từ 43,67% năm 2005% xuống 43,15% năm 2013).

 

Các nguyên nhân được chỉ ra, trong đó lớn nhất là vấn đề vốn đầu tư cho khu vực này đang thiếu hụt. Theo ông  Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế KH&ĐT cho biết: vốn FDI vào nông nghiệp cao khoảng 10 năm 1991 – 2000, nhưng giai đoạn gần đây đã giảm dần. Cụ thể, nếu như cách đây 15 năm, FDI vào nông lâm ngư nghiệp chiếm 15% trong tổng vốn đầu tư FDI của cả nước thì trong 3 năm gần đây chiếm chưa đến 0,5%. Chất lượng của các dự án FDI lĩnh vực nông nghiệp chưa cao, phần lớn là các dự án quy mô nhỏ. Nếu như quy mô vốn đầu tư bình quân một dự án FDI vào khoảng 14,7 triệu USD thì một dự án FDI nông nghiệp chỉ đạt 6,6 triệu USD.

 

Trong khi vốn đầu tư nước ngoài giảm thì tiếp cận vốn vay ngân hàng của các doanh nghiệp nông nghiệp, chủ cơ sở sản xuất nông thôn lại đặc biệt khó. Ông Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn cho rằng: Các ngân hàng ngại cho DN ở nông thôn vay vì quy mô nhỏ bé, năng lực lập dự án yếu, ít có tài sản thế chấp. Nếu ngân hàng coi DN là khách hàng chu đáo, họ phải chiếu cố tất cả các yếu tố đó để hỗ trợ, thay vì chỉ hướng vào các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có tài sản thế chấp tốt hơn, có đề án kinh doanh tốt hơn.

 

Hơn nữa, các yếu tố liên quan đến chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng cũng làm cho DN vướng víu. Chính vì thế, tuy là DN ở nông thôn, nhưng ngày càng có xu hướng các DN dồn về đô thị vì muốn tận dụng cơ sở hạ tầng và chất xám ở thành thị. Mặc dù ở vùng nông thôn, nhiều địa phương xây KCN, song ngay các DNVVN cũng khó tiếp cận được các KCN ấy. Chưa kể, chi phí "lót tay" ở nông thôn cũng chiếm 0,3% doanh thu của DN.

 

Chính vì những lý do thụt lùi về tăng trưởng, khó tiếp cận vốn vay ưu đãi nên quy mô doanh nghiệp nông nghiệp đang bị thu hẹp dần và chuyển sang kinh doanh hộ gia đình, phi chính thức.

 

Một yếu tố được coi là sức bật của khu vực nông nghiệp chính là năng lực đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiê, hiện yếu tố này đang giảm dần, năng lực đổi mới DNNVV ở nông thôn đang giảm dần, tỷ lệ đa dạng hóa sản phẩm, phát triển mới và cải tiến sản phẩm đều giảm trong những năm gần đây (từ 66,3% năm 2005 xuống còn 54,2% năm 2013). Điều này ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm của ngành nông nghiệp, cũng như cho thấy trình độ dân trí, năng lực công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam còn khá thấp.

 

Những trở ngại cho tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và năng suất của DNNVV của khu vực nông thôn được chỉ rõ, đó là hạn chế về nguồn vốn, đa số doanh nghiệp khó khăn  (26% doanh nghiệp đánh giá là trở ngại lớn nhất). Tỷ lệ khó khăn trong tiếp cận tín dụng tăng từ 28,7% (2005) lên 37,5% (2013), cao hơn so với mức tăng 5,3 điểm % của DNVVN thành thị. Nguyên nhân chủ yếu do lãi suất cao, quy trình thủ tục vay phức tạp, thiếu tài sản đảm bảo hay khả năng trả nợ thấp…, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương, cho biết.

 

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *