Dòng chảy vốn 29/11/2013 11:16

Vì sao VNPT bế tắc với thoái vốn ngoài ngành?

FICA - Quy định thoái vốn ngoài ngành không được để thất thoát vốn Nhà nước, không được bán với giá thấp hơn giá sổ sách hoặc giá trị thị trường của cổ phần đang làm khó VNPT. Trong khi đó, Tập đoàn cũng không thể rút chân khỏi những đơn vị lỗ triền miên đã niêm yết hoặc đã trở thành công ty đại chúng.

Theo báo cáo của Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT), đến năm 2015, Tập đoàn lập kế hoạch thoái vốn tại 63 đơn vị mà Tập đoàn đã đầu tư vào với tổng giá trị lên tới 2.303,4 tỷ đồng.

Kế hoạch thoái vốn từ 2012 trở về trước là 34 đơn vị với giá trị vốn dầu tư là 1.036,4 tỷ đồng (chưa thực hiện được). Và kế hoạch thoái vốn trong năm 2013, 2015 là 29 đơn vị với giá trị vốn đầu tư là 1.267 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm 2012, công ty mẹ mới chỉ thực hiện thoái vốn tại 3 công ty cổ phần và giảm vốn góp tại 1 quỹ thành viên Vietcombank với tổng số vón đầu tư giảm 161,9 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn tại CTCP Sắt Thạch Khê thu được lợi nhuận 12,4 tỷ đồng.

 

Một trong những lý do chính khiến kế hoạch thoái vốn của VNPT không thực hiện được đó là quy định của Nhà nước về thoái vốn đối với các khoản đầu tư tài chính của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải theo nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn và không được thấp hơn giá thị trường hoặc không thấp hơn giá ghi trên sổ sách kế toán của các đơn vị có vốn góp.

Để thực hiện được yêu cầu này, VNPT đã gặp rất nhiều khó khăn, việc thực hiện thoái vốn và cơ cấu lại các danh mục khó khả thi, mất nhiều thời gian và tiến độ thực hiện chậm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của tập đoàn. Đối với một số danh mục giá thị trường xuống thấp hơn giá trị sổ sách, danh mục kinh doanh thua lỗ gần như là không thể thực hiện được.

Trong báo cáo kiểm toán đối với VNPT năm 2012, Kiểm toán Nhà nước cũng lưu ý đến quy định thoái vốn khỏi các danh mục có lỗ lũy kế và các danh mục niêm yết. Theo đó, Luật Chứng khoán và Nghị dịnh 58/2012/NĐ-CP yêu cầu, việc bán đấu giá (chào bán) cho một số lượng nhà đầu tư không xác định và cổ đông lớn bán phẩn vốn sở hữu trong các công ty đại chúng phải tuân thủ theo các điều kiện về vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 10 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.

Với quy định trên, việc thực hiện thoái vốn tại các CTCP Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (VNPT sở hữu 8,5% vốn điều lệ; lỗ lũy kế đến 31/12/2012 là 159 tỷ đồng; Đầu tư và xây dựng bưu điện (VNPT sở hữu 30% vốn điều lệ; lỗ lũy kế là 53 tỷ đồng); Dịch vụ Kỹ thuật Viễn thông (VNPT sở hữu 33% vốn, lỗ lũy kế là 26 tỷ đồng) sẽ không thực hiện được (SPT đã không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận thoái vốn).

Theo cơ quan Kiểm toán, việc không được thoái vốn tại doanh nghiệp lỗ mà VNPT không kiểm soát được sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư vốn của VNPT.

Ngoài ra, liên quan đến hoạt đọng thoái vốn tại Quỹ Đầu tư Việt Nam (BVIM), do quỹ BVIM là quỹ đóng, nên để thoái được vốn, Tập đoàn phải tìm được nhà đầu tư chấp thuận mua lại phần vốn của Tập đoàn tại Quỹ hoặc Quỹ phải giải thể trước thời hạn.

Trước tình hình kinh doanh không hiệu quả của Quỹ (tại thời điểm 31/12/2012, giá trị tài sản thuần của Quỹ này là 65% mệnh giá) cũng như tình trạng chung của thị trường chứng khoán, iệc tìm được nhà đầu tư để thực hiện việc chuyển nhượng vốn là không khả thi.

Hơn nữa, với tỷ lệ sở hữu 2% vốn điều lệ, việc Tập đoàn yêu cầu giải thể quỹ trước thời hạn cũng không thể được thông qua. Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc thoái vốn tại Quỹ BVIM đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn là khó thực hiện được.

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *