WB “cấm cửa” doanh nghiệp Mỹ vì hối lộ quan chức Việt Nam

FICA - Ngân hàng thế giới (WB) mới đây đã công bố việc cấm Louis Berger Group, công ty của Mỹ từng tham gia dự án Giao thông nông thôn 3 và dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng, vì đã hối lộ các quan chức địa phương.

Cầu Cổ Cò tại Đà Nẵng là một trong những dự án có sự tham gia của 
Cầu Cổ Cò tại Đà Nẵng là một trong những dự án có sự tham gia của Louis Berger Group (Ảnh: Internet)
 
Thông tin được WB đăng tải trên website của tổ chức này. Theo đó, Louis Berger Group, Inc. (LBG), một công ty thiết kế kiến trúc và kỹ thuật, đã bị cấm tham gia các dự án có vốn của WB trong vòng một năm “vì đã có những hành vi tham nhũng tại hai dự án ở Việt Nam do WB tài trợ”.

Ngoài ra, WB cũng áp đặt lệnh “không ngăn cấm có điều kiện” đối với Berger Group Holdings, Inc., tập đoàn mẹ của LBG.

Theo thông tin được WB công bố, LBG từng tham gia hai dự án do ngân hàng này tài trợ tại Việt Nam, đó là dự án Giao thông nông thôn 3 và dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng. Tại các dự án này, LBG “đã đưa những khoản tiền tham nhũng cho các quan chức chính phủ”, WB khẳng định.

Bên cạnh đó, tập đoàn mẹ của LBG đã không giám sát một cách hiệu quả, và do đó phải chịu trách nhiệm liên đới về hành vi sai phạm của công ty này.

Trước những chất vấn từ WB, LBG đã phải tiến hành một cuộc điều tra nội bộ, theo các điều khoản được WB yêu cầu, làm rõ sai phạm và sẽ báo cáo cho tổ chức này. Trong thời gian công tác điều tra chưa kết thúc, tập đoàn mẹ của LBG đã xin tự nguyện không tham gia đấu thầu bất kỳ dự án nào của WB trên toàn thế giới.

“Phản ứng của một công ty trước sai phạm là bằng chứng rõ nhất cho thấy mức độ cam kết của họ đối với vấn đề liêm chính”, Leonard Frank McCarthy, phó chủ tịch phụ trách liêm chính của WB khẳng định.

“Vụ việc này cho thấy một quá trình điều tra và kết quả của nó đã khiến công ty phải có các hành động khắc phục sai phạm, để hướng tới một tiêu chuẩn về tuân thủ và chịu trách nhiệm cao hơn”.

Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng có tổng mức đầu tư 218,47 triệu USD, trong đó WB đã tài trợ từ nguồn vốn ưu đãi đặc biệt 152,43 triệu USD, còn nguồn vốn đối ứng của phía Việt Nam là 66,03 triệu USD.

Sau 5 năm triển khai, dự án đã được tổng kết tháng 8/2013, với nhiều hạng mục quan trọng như xây dựng 2 tuyến đường giao thông chiến lược nối trung tâm Đà Nẵng với các vùng ven, xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải…

Dự án Giao thông nông thôn 3 được triển khai từ tháng 9/2007 và hoàn tất vào tháng 6 năm ngoái, với tổng mức đầu từ là 257,224 triệu USD. Tại dự án này WB dành cho Việt Nam khoản vay ưu đãi đặc biệt 203,25 triệu USD, cùng viện trợ không hoàn lại của chính phủ Anh trị giá 53,97 triệu USD.

Dự án được triển khai tại 33 tỉnh, thành phố trong cả nước. Sau 7 năm triển khai, dự án đã nâng cấp cải tạo 3.283 km đường huyện, xã, đồng thời bảo trì được 22.723 km mạng lưới đường huyện. Dù vậy trong tháng Giêng vừa qua, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án này.

Thanh Tùng
Tổng hợp
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *