Dòng chảy vốn 20/12/2014 15:03

VEPR: Kinh tế Việt Nam đang "tụt hậu" trong cạnh tranh

FICA - Việt Nam đang tụt hậu trong một khu vực có các bước tiến rất mạnh mẽ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cải cách đã được quốc tế ghi nhận, nhưng cần đẩy mạnh các biện pháp thực dụng hướng tới một nền hành chính hiệu quả và minh bạch.

Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2014, trong đó có đề cập tới một số vấn đề ngân sách, cạnh tranh quốc gia trong thu hút FDI...

Cán cân ngân sách thiếu bền vững

Theo đó, VEPR cho biết, nằm trong xu hướng giảm đòn bẩy tài chính, tỷ lệ tổng đầu tư trên GDP giảm dần do không được “nuôi dưỡng” bằng nguồn tín dụng như trước. Cuối tháng 9, dư nợ tín dụng tăng thực tế khoảng 4% so với cuối năm ngoái, trong khi tổng đầu tư chỉ tương đương 31% GDP. Vốn từ bên ngoài mang lại luồng sinh khí cần thiết cho đầu tư và sản xuất trong nước.

Trong khi đó, chi ngân sách trong 9 tháng đầu năm tương đương 28,7% GDP, trong đó chi đầu tư phát triển xấp xỉ 4,8%, chi thường xuyên chiếm 20,1% và chi trả nợ chiếm 3,8%. So với 3 quý đầu năm 2013, tổng chi ngân sách (không gồm trả nợ gốc) tăng danh nghĩa 11,5%. Chi thường xuyên tăng tới 13,4% so với chi đầu tư phát triển chỉ tăng 3,4%, cho thấy phần chi tiêu để duy trì bộ máy Nhà nước đang lớn nhanh hơn nhiều so với đầu tư phát triển.

Theo VEPR, gánh nặng ngân sách không chỉ ở bộ máy cồng kềnh mà còn ở nghĩa vụ trả nợ. Nợ gốc phải trả tăng 23% từ 40 nghìn tỷ lên 49 nghìn tỷ đồng, còn trả nợ lãi còn tăng gần gấp rưỡi, từ 36 nghìn tỷ lên 52 nghìn tỷ đồng, tức là số tiền lãi đã vượt qua số nợ gốc phải trả. Khối lượng trái phiếu ngắn hạn tăng mạnh trong 3 năm trở lại là nguyên nhân dẫn tới nghĩa vụ trả nợ tăng đột biến.

Bên cạnh đó, VEPR cũng cho rằng, dẫu cho tình hình thu nội địa tiến triển tích cực so với năm ngoái, chi tiêu ngân sách cho các khoản mục thường xuyên tăng nhanh khiến bội chi vẫn ở mức cao. Bội chi ngân sách 9 tháng đầu năm xấp xỉ 132 nghìn tỷ đồng, tương đương với 4,9% GDP. Với tình trạng bội chi như hiện tại được duy trì đến cuối năm, thâm hụt ngân sách lại thêm một năm lỡ kế hoạch.


Cán cân ngân sách thiếu bền vững khi thu từ thuế và lệ phí (602 nghìn tỷ đồng) chỉ suýt soát đủ cho chi thường xuyên (590 nghìn tỷ). Những khoản chi tiêu còn lại phụ thuộc phần lớn vào nguồn tài chính từ phát hành trái phiếu. Khối lượng trái phiếu phát hành từ đầu năm đạt hơn 220 nghìn tỷ đồng, không chỉ bù đắp thâm hụt ngân sách mà còn để đảo nợ các trái phiếu hết hạn. Vấn đề nợ công lại được quan tâm khi tỷ lệ nợ công đã gần chạm tới trần 65% còn Quốc hội không thể kiểm soát tốc độ tăng chi tiêu của Chính phủ.

Nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu


Theo báo cáo của VEPR, chưa có dữ liệu cụ thể về cán cân thanh toán đến hết quý II, song dựa vào lượng dự trữ ngoại hối giữa tháng 6/2014 so với tháng 12/2013 có thể thấy cán cân tổng thể đã thặng dư gần 10 tỷ USD. Có thể tin chắc rằng Việt Nam đang có thặng dư tương đối lớn trên cả hai cán cân vãng lai và vốn dựa vào dữ kiện của quý I.


Thặng dư năm 2014 có thể vượt qua mức 11,86 tỷ USD của năm 2012 và dự trữ ngoại hối sẽ tăng tương ứng lên 37-38 tỷ USD. Thặng dư tài khoản vãng lai bộc lộ nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu còn tiêu dùng đang rất thấp.

Ở khía cạnh khác, đầu tư đang ở mức thấp so với tiết kiệm. Thặng dư tổng thể không nhất thiết là một tín hiệu tốt, khi thặng dư trên tài khoản vãng lai không đi cùng sự thâm hụt tương ứng trên tài khoản vốn mà chuyển vào dự trữ của NHTW, khiến vốn không sinh lợi hiệu quả. Mức thặng dư này cũng hàm ý sự dư thừa ngoại tệ trong nước, chủ yếu là USD, duy trì lãi suất cho vay USD ở mức thấp và kích thích tín dụng ngoại tệ.

Việt Nam đang "tụt hậu"


FDI giải ngân 8,9 tỷ USD, chỉ nhỉnh hơn 3,4% so với năm ngoái. Vốn đăng ký mới giảm 18% phản ánh sự thay đổi trong đánh giá của nhà đầu tư về môi trường đầu tư trong nước sau khi xảy ra vụ việc biểu tình đốt phá nhà xưởng vào tháng 5 và tình hình an ninh trên biển Đông. Công tác đền bù thiệt hại từ biểu tình bộc lộ sự thiếu chuyên nghiệp và tệ nạn tham nhũng tại địa phương. 


VEPR đánh giá, Việt Nam đang tụt hậu trong một khu vực có các bước tiến rất mạnh mẽ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cải cách đã được quốc tế ghi nhận, nhưng cần đẩy mạnh các biện pháp thực dụng hướng tới một nền hành chính hiệu quả và minh bạch.

FDI không còn tập trung ở các dự án mới (greenfield) và đang hướng đến mua lại và sát nhập (M&A) tại các ngành then chốt như bán lẻ, dịch vụ ăn uống, kho vận. FDI. Đầu tư nước ngoài sẽ tăng cường sức ép và thách thức yếu tố trong nước phải thay đổi, với mức độ ngày càng tăng khi Việt Nam sắp hội nhập sâu hơn vào kinh tế quốc tế với AEC trong năm 2015 và xa hơn là TPP và EU-Việt Nam FTA.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *