Dòng chảy vốn 07/12/2014 08:14

Vẫn lãng phí nguồn nhân lực vàng

Trước hết, chúng ta nhìn lại các kỳ thi tay nghề của 10 nước thành viên ASEAN. Năm nay Việt Nam đăng cai kỳ thi lần thứ 10 tại Hà Nội.

Gần 300 thí sinh của 10 nước thi 25 nghề trước sự chứng kiến của hơn 1.000 quan chức, chuyên gia kỹ thuật, quan sát viên trong nước và quốc tế. Đoàn Việt Nam đã giành giải Nhất với 15 Huy chương Vàng. Mà giải Nhất của đoàn ta vượt khá xa đoàn về nhì là Malaysia (9 huy chương).

Hơn nữa, đây không phải lần đầu mà là lần thứ ba Việt Nam giành giải Nhất trong tổng số 10 lần thi.

Kết quả ấy nói lên điều gì? Đáng vui hay đáng buồn? Có hai luồng ý kiến khác nhau:

Ý kiến thứ nhất tỏ ra hoài nghi bởi lâu nay, hầu như thi cái gì trong khối chúng ta cũng ở tốp đầu bảng. Nhưng xét về mặt bằng chung thì chúng ta lại ở tốp chót bảng từ năng suất lao động, đổi mới công nghệ, quy mô sản xuất!

Ý kiến thứ hai thể hiện niềm tự hào bởi trình độ tay nghề của lao động nước ta được nâng lên. Các thí sinh dự thi tay nghề ASEAN đều là những người giỏi, đã vượt qua các cuộc thi trong nước. Điều này cũng phản ánh trình độ đào tạo nghề của các trường dạy nghề trong cả nước. Mà các nước khác cùng làm như thế, nghĩa là tổ chức thi tay nghề qua mấy cấp cơ sở chứ không phải kiểu nuôi “gà nòi”.

Vẫn lãng phí nguồn nhân lực vàng

Thí sinh đoàn Việt Nam dự Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10

Nhưng chúng ta cũng không nên bàn đến chuyện vui hay buồn qua sự kiện này mà cái chính là mừng cho các cháu học sinh đang học nghề, yêu nghề bởi đất nước ta đang cần một lớp thợ trẻ có tay nghề cao như thế. Thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vốn đã tồn tại hàng chục năm nay mà chúng ta còn phải mất nhiều thời gian nữa mới khắc phục được thì hôm nay, lớp trẻ hứng thú vào học ở các trường nghề để sau này trở thành thợ giỏi là điều đáng biểu dương.

Vấn đề là lớp thợ trẻ có tay nghề giỏi ấy có việc làm hay không, có cơ hội để phát huy sở trường của mình hay không mới quan trọng.

Mỗi năm cả nước có hơn 1 triệu người đến tuổi lao động và hàng vạn kỹ sư, thạc sĩ ra trường. Nhưng nhiều người thất nghiệp bởi không có trình độ tay nghề và kỹ năng thực hành đáp ứng được nhu cầu công việc. Đó cũng là hậu quả của trào lưu đào tạo ồ ạt. Và đó cũng là hậu quả của lối suy nghĩ của nhiều sinh viên là đi học để ra làm thầy chứ không muốn làm thợ.

Vì thế, nước ta có nguồn lao động dồi dào mà nhiều nước gọi đó là nguồn nhân lực vàng nhưng không phát huy được hiệu quả. Hàng trăm khu công nghiệp, hàng nghìn doanh nghiệp rất cần nguồn nhân công có trình độ quản lý điều hành giỏi, có tay nghề cao. Nhưng thực tế, đa số lao động mới chỉ dừng lại ở hạng phổ thông, trải qua lớp ngắn hạn “cầm tay chỉ việc” chứ không có trình độ kỹ thuật cao. Từ đó mà năng suất, chất lượng lao động thấp, dẫn đến thu nhập thấp.

Cả nước có 170 trường cao đẳng nghề, 306 trường trung cấp nghề và 990 trung tâm dạy nghề. Đó là thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đến việc đào tạo nguồn lao động có chuyên môn, nghiệp vụ. Nhưng nhiều trường chưa được sử dụng hết công suất bởi học sinh chưa hứng thú với những nghề đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Phần lớn vẫn chỉ tập trung vào mấy ngành may mặc, cơ khí, lái xe, lắp ráp và sửa chữa điện tử, điện lạnh. Cũng vì thế mà bây giờ nước ta mới thấy thiếu hẳn một đội ngũ thợ và dây chuyền sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Mỗi năm nước ta mất tới hơn 50 tỉ USD để nhập khẩu các linh, phụ kiện phục vụ cho ngành sản xuất, xuất khẩu. Con số này lớn hơn tổng sản lượng của tất cả các doanh nghiệp Nhà nước cộng lại. Đó là thực trạng đáng buồn!

Tại Việt Nam, năm 2013, Samsung đã xuất khẩu điện thoại di động với tổng giá trị đạt 23,9 tỉ đôla, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và lần đầu tiên Việt Nam trở thành một địa chỉ sản xuất sản phẩm công nghệ cao của thế giới. Đó là thành tựu khích lệ chúng ta sớm triển khai ngành công nghiệp hỗ trợ.

Một con số khiến mọi người giật mình: Cứ 400 triệu điện thoại di động của Samsung được bán ra trên toàn cầu thì có tới 120 triệu chiếc được sản xuất tại Việt Nam. Thế nhưng 120 triệu chiếc điện thoại đó thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ cung ứng được sản phẩm in ấn, bao bì cho Samsung; còn từ con ốc vít đến cục sạc pin, dây dẫn thì không làm được!

Nhưng cũng phải nhìn lại. Cách đây hơn một thập niên, Chính phủ đã thấy rõ nhu cầu quan trọng của công nghiệp hỗ trợ. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 12 ngày 24-2-2011 về khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng thì mặc dù đã đề cập đến rất nhiều khía cạnh nhưng trong thực tế, việc thực thi quyết định này còn nhiều vấn đề.

Vì vậy, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại Quyết định 12 và xây dựng thành Nghị định. Việc này có rất nhiều ý nghĩa. Thứ nhất là nghị định, về mặt pháp lý thì có giá trị cao hơn là quyết định, thứ hai là có điều kiện để đề cập, xem xét quy định những nội dung mới mà qua thực hiện, bộc lộ những mặt bất cập. Nguyên nhân vẫn là vướng mắc ở cơ chế chính sách và vốn đầu tư.

Vừa qua, dư luận lại rộ lên về sự ưu ái của chính phủ Hoàng gia Campuchia đối với ông “Hai lúa”. Những tìm tòi, sáng kiến của ông “Hai Lúa” chưa được trọng dụng ở nước ta thì ông đã xuất khẩu sang nước bạn. Lý do bởi trong nước chưa có cơ chế đầu tư và sử dụng những cá nhân có năng lực sáng tạo như vậy. Mỗi phát minh, sáng kiến của họ phải qua rất nhiều khâu thẩm định, chờ cấp thẩm quyền thông qua và cuối cùng là có được ký kết hợp đồng đưa vào thực tiễn hay không. Vì vậy, nhiều “nhà khoa học nông dân” hiện nay có những phát minh, sáng kiến trong chế tạo, sản xuất công cụ, máy móc phục vụ hiệu quả cho đời sống vẫn phải đợi chờ, rất lãng phí.

Trở lại vấn đề sử dụng nguồn nhân lực vàng, có tay nghề cao và triển khai công nghiệp hỗ trợ sắp tới, cũng còn nhiều điều phải bàn. Chúng ta hay chạy theo thành tích, theo phong trào. Cứ thấy mặt hàng nào mang lại lợi nhuận cao thì nhiều doanh nghiệp đổ xô tới, xin cấp phép hành nghề. Mấy năm trước, khi có Quyết định 12 của Thủ tướng Chính phủ, đã xuất hiện nhan nhản các cơ sở sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô, xe máy đáp ứng yêu cầu nội địa hóa. Nhưng cái phong trào “trăm hoa đua nở” ấy đã phát sinh tình trạng sản phẩm dư thừa và chất lượng thấp và cuối cùng là ế ẩm. Tới đây, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đã có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia bởi có chính sách đầu tư và ưu đãi của chính phủ. Các doanh nghiệp cần được sự hỗ trợ tích cực để thu hút đầu tư, tận dụng nguồn nhân lực vàng. Bỏ qua cơ hội này là sự lãng phí!

Tuy nhiên, việc cấp phép và hỗ trợ cho doanh nghiệp nào được tham gia ngành công nghiệp hỗ trợ cần phải làm chặt chẽ, có sự thẩm định chuẩn xác. Nếu không, sản phẩm làm ra có thể cạnh tranh về giá, nhưng công nghệ, chất lượng, chứng nhận môi trường… không đạt yêu cầu của các khách hàng lớn thì hậu quả lại khôn lường.

Hơn nữa, bên cạnh sự hỗ trợ về vốn và công nghệ của nhà nước thì các doanh nghiệp phải tập trung đào tạo và đào tạo lại đội ngũ công nhân lành nghề. Nhân lực vàng phải đồng nghĩa với trình độ tay nghề cao và tác phong công nghiệp hiện đại chứ không thể mãi là nguồn nhân công rẻ mạt!

 

Theo Bùi Đức

Petrotimes

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *