Dòng chảy vốn 28/10/2014 07:29

Trần chi phí quảng cáo: “Bỏ là hợp lý!?”

FICA - Liên quan đến việc kiến nghị dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo của Bộ Tài Chính với Quốc hội, nhiều ý kiến trái chiều...

Liên quan đến việc kiến nghị dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo của Bộ Tài Chính với Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng: Nếu dỡ bỏ ngay trần chi phí quảng cáo, chắc chắn nhiều doanh nghiệp Việt bị sẽ thua ngay trên sân nhà và người tiêu dùng sẽ phải trả giá hàng hóa cao hơn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại cũng có nhiều ý kiến ủng hộ mạnh mẽ, coi đó thực sự là cuộc cải cách.

 

 

Hiện, theo quy định hiện hành tại Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) doanh nghiệp chỉ được chi cho quảng cáo 15% trong tổng chi phí được khấu trừ. Tuy nhiên, thực tế theo đại diện của Hiệp hội quảng cáo, nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp (DN) ngoại có dấu hiệu quảng cáo vượt trần và báo lỗ thuế lũy kế khiến nhà nước thất thu mà thị trường lại bất bình đẳng.Các DN này chỉ cần lách luật, tăng thêm 10% chi phí quảng cáo thôi thì cũng đủ sức đè bẹp các DN trong nước, bất kể lớn hay nhỏ.

 

Ông Phạm Đình Thi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính cho rằng: thế giới hiện chỉ có hai nước khống chế quảng cáo là Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc thì mới bỏ từ năm 2012. Tuy nhiên, Trung Quốc khống chế 15%  trần chi phí quảng cáo trên doanh thu hàng năm, số vượt trên 15% sẽ được tính vào năm tiếp theo, còn ta vẫn tính theo kiểu cũ.

 

“Nói 1 cách ví von, doanh nghiệp đi quảng cáo sản phẩm chẳng khác gì là một người con gái đến độ tuổi đôi mươi phải ăn diện, phải bỏ tiền mua phấn son, quần áo về làm đẹp cho mình, cho xã hội. Mặc dù cô ấy đi làm, có tiền tự lo được cho bản thân, nhưng gia đình chỉ cho phép con mua đúng 1 thỏi son, 1 bộ quần áo, 1 chiếc giày cao gót để ăn diện cả năm… Không được trang điểm, quần là, áo lượt như chúng bạn, quanh năm chỉ một hai bộ đồ thì... nguy cơ “ế” là rất cao”, một vị doanh nghiệp hài hước nói.

 

Mặt khác, tính bất cập của biện pháp hành chính cứng nhắc này cũng được nhiều DN chỉ rõ: “Quảng cáo phụ thuộc vào vòng đời sản phẩm, DN chỉ cần quảng cáo nhiều cho những sản phẩm nào mới ra, chưa có thị trường, còn những sản phẩm đã có thị trường sẽ được tiết giảm dần. Đâu phải lúc nào cũng có sản phẩm để quảng cáo, năm nào cũng quảng cáo đều. Có năm chúng tôi chỉ quảng cáo được 5% nhưng có năm thì cần phải quảng cáo nhiều hơn 20%  - 30% để tăng hiện diện đối với người tiêu dùng. Quy định cứng nhắc như vậy, khiến năm thì không “ăn” hết, năm thì phải ấm ức “nhịn đói” .

 

Tuy nhiên, việc dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo cũng gây lo ngại, theo T.S Ngô Trung Hưng – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Việt Hưng lại cho rằng: Các DN nước ngoài được vay vốn chỉ lãi suất 2% ở nước họ, họ có doanh thu cao gập 10 lần DN Việt trong cùng 1 ngành, nếu chúng ta bỏ hoàn toàn trần, họ chỉ cần bỏ 10% doanh thu vào quảng cáo đa phương tiện (tất cả các loại hình quảng cáo), DN Việt sẽ bị đánh bật ra khỏi thị trường vì đâu đâu cũng thấy có quảng cáo, có sản phẩm ngoại.

 

Một khi đánh phủ đầu DN Việt được rồi, họ sẽ bố trí lại thị trường theo ý thích của họ, sẽ chỉ là thị trường độc quyền với 2 – 3 người bán thôi, khi đó việc tăng giá bán (thực chất là đưa chi phí quảng cáo vào giá bán, chi phí bán hàng, tiếp thị vào giá bán) sẽ khiến người tiêu dùng là người chịu thiệt hại cuối cùng.

 

Nhưng theo TS Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng: “Không lo DN ngoại đánh bật DN nội bởi lẽ, từ trước đến nay, các DN ngoại, những doanh nghiệp lớn đã và đang sử dụng nhiều chiêu trò để quảng cáo vượt trần rồi và quy định này hiện chỉ có các DN nhỏ và vừa Việt Nam chịu thiệt. Độc quyền bán sẽ rất khó xảy ra vì cạnh tranh về giá trong kinh tế học là sự cạnh tranh chỉ giết chết các DN; người tiêu dùng, xã hội sẽ tẩy chay sản phẩm và DN khi lợi dụng tăng giá bán.

 

Việc áp trần chi phí quảng cáo15% không chỉ kìm hãm cạnh tranh  của các DN trong nước mà theo nhiều nhận định, cơ chế cũ lâu năm này đang khiến ngành quảng cáo, truyền thông trong nước không thể phát triển được.

 

Chỉ nhận được những dự án nhỏ nhỏ, những TVC – (phim quảng cáo) bé vừa đủ ngân sách 15% của doanh nghiệp thì làm sao các doanh nghiệp truyền thông trong nước phát triển mở rộng, có nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng để có những bộ TVC hay và hoành tráng được. Trong khi năng lực ngành quảng cáo, truyền thông của nước ta kém xa so với khu vực về cơ sở vật chất và công nghệ rồi, nếu muốn có sản phẩm truyền thông lớn, các DN lớn sẽ đặt hàng với các doanh nghiệp truyền thông ngoại. Như vậy chẳng những ta thất thu thuế mà còn như kẻ “đói” phải bấm bụng nhìn kẻ khác “lấy mất” phần. Chúng ta vừa hạn chế khả năng chi quảng cáo với các DN trong nước, vừa “bóp chặt” hầu bao, “nén chặt ống thanh quản” không tạo điều kiện ngành truyền thông trong nước phát triển.

 

Đồng tình với việc trần quảng cáo cũng góp phần làm cho năng lực yếu kém của ngành truyền thông, song theo T.S Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong thời đại công nghệ số và thế giới phẳng, các doanh nghiệp cần tận dụng quảng cáo đa dạng và nhiều phương thức khác nhau:

 

“Quảng cáo trong thế kỷ này là đa phương diện, quảng cáo đang có dư địa rất rộng: từ truyền hình, báo in, báo điện tử, đến các trang website thương mại điện tử, mạng xã hội (blog, youtube, facebook, twitter, Linkedin…) đa dạng các hình thức quảng cáo và hiệu quả cho DN. Lượng người sử dụng internet, mobile internet, mobile marketing của người Việt Nam hiện nay đang nhiều, phần đông là giới trẻ, nếu chúng ta nắm bắt được nhóm đối tượng trẻ, tạo ấn tượng tốt với sẽ là khách hàng của hôm nay và mai sau. Không cứ gì phải những dự án quảng cáo rầm rộ, những chương trình talkshow, quảng bá lớn tiêu tốn nhiều tiền…”, T.S Thiên chia sẻ.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *