Dòng chảy vốn 27/05/2015 07:07

TPHCM yêu cầu Phú Mỹ Hưng chia lợi nhuận gần 1.500 tỷ đồng

Phía Việt Nam góp vốn 18 triệu USD trong tổng vốn pháp định 60 triệu USD của liên doanh Phú Mỹ Hưng. Từ năm 2010 đến 2014, Phú Mỹ Hưng kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận cao, tuy nhiên phía Việt Nam chưa được chia lợi nhuận, ước tính khoảng 1.444 tỷ đồng.

UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu Tư về việc quy định phân chia lợi nhuận đối với các trường hợp doanh nghiệp nhà nước góp vốn liên doanh thực hiện dự án đầu tư nước ngoài.

TPHCM yêu cầu Phú Mỹ Hưng chia lợi nhuận gần 1.500 tỷ đồng
UBND TP yêu cầu công ty Phú Mỹ Hưng chia lợi nhuận ước tính gần 1.500 tỷ đồng từ năm 2010 đến 2014 (ảnh minh họa)

Theo UBND TP, qua rà soát hoạt động thực tế của các tổng công ty, công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước thuộc UBND TPHCM có một số trường hợp doanh nghiệp nhà nước liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài mặc dù doanh nghiệp liên doanh nhiều năm liền có lợi nhuận rất lớn nhưng không chia. Do tỷ lệ nắm giữ vốn của doanh nghiệp nhà nước trong liên doanh không chi phối nên không quyết định được việc chia lợi nhuận này, dẫn đến doanh nghiệp nhà nước bị giữ lại lợi nhuận không chia, ảnh hưởng đến việc nộp ngân sách nhà nước trong tình hình khó khăn hiện nay.

Cụ thể, công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng là liên doanh giữa bên nước ngoài (Công ty Central Trading & Development Corporation) và bên Việt Nam (Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND TPHCM) với vốn pháp định của Công ty liên doanh là 60 triệu USD. Trong đó, Bên Việt Nam góp 18 triệu USD, chiếm tỷ lệ 30%, Bên nước ngoài góp 42 triệu USD, chiếm tỷ lệ 70% vốn pháp định.

Từ năm 2010 đến năm 2014, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng hoạt động kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận cao. Mặc dù Bên ViệtNam đã nhiều lần biểu quyết yêu cầu Công ty liên doanh chia lãi. Tuy nhiên, do không có quyền chi phối nên không quyết định được việc chia lợi nhuận.

Hội đồng thành viên Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng vẫn quyết định không chia lợi nhuận cho các bên góp vốn, trong đó ước tính khoản lợi nhuận phải chia cho Bên Việt Nam khoảng 1.444 tỷ đồng, ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách nhà nước từ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của các công ty 100% vốn nhà nước, đặc biệt là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Để khắc phục tình trạng trên, Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu điều chỉnh quy định về chia lợi nhuận đối với trường hợp liên doanh giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài theo hướng quy định doanh nghiệp liên doanh phải chia lãi hàng năm sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận.

Chưa chia lãi vì gánh nặng tài chính?

Trao đổi với PV Dân trí,  đại diện công ty Phú Mỹ Hưng cho biết, từ cuối năm 2009, hoạt động kinh doanh của liên doanh gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản không thuận lợi. Từ năm 2010 đến 2014, tuy việc kinh doanh có chiều hướng phục hồi, có lợi nhuận, nhưng liên doanh vẫn chưa trút bỏ được gánh nặng về tài chính.

Trước tình hình đó, tại cuộc họp ngày 7/5/2014, thông qua tỷ lệ biểu quyết 67%, Hội đồng thành viên Công ty Phú Mỹ Hưng đã thống nhất: tạm thời không chia lãi các năm 2010, 2011, 2012 cho cả hai bên trong liên doanh, để lại nguồn lãi thu được từ kinh doanh để tái đầu tư, phát triển kinh doanh.

Quyết định trên được đưa ra dựa trên bài toán kinh doanh và hướng đến lợi ích lâu dài của liên doanh, bởi nếu chia lợi nhuận cho phía Việt Nam (IPC) 30% thì phải chia lợi nhuận cho phía nước ngoài là PMH AH (Công ty Phu My Hung Asia Holdings Corporation) 70%.

“Trong hoàn cảnh khó khăn về tài chính của công ty, nếu thực hiện việc chia lợi nhuận cho 2 bên, công ty buộc phải vay tiền ngân hàng, tiền lãi này sẽ cấu thành chi phí của công ty, làm giảm lợi nhuận của các năm sau đó. Cộng với các khoản vay hiện tại thì gánh nặng tài chính của liên doanh sẽ là rất lớn. Tất nhiên, IPC cũng phải chia sẻ 30% gánh nặng đó”, theo đại diện công ty Phú Mỹ Hưng, việc tạm thời không chia lãi cho cả hai bên là phù hợp.

Vị đại diện này cho biết thêm, theo Điều 61 Luật Doanh nghiệp, công ty chỉ chia lợi nhuận cho các thành viên khi công ty kinh doanh có lãi, đã hoàn thành các nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; đồng thời vẫn phải đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận. Thêm vào đó, từ năm 2011, công ty liên doanh phải đóng tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chưa ký kết hợp đồng mua bán (khoảng 63ha) với số tiền gần 6.000 tỷ đồng.

Đồng thời, theo Luật Doanh nghiệp, việc quyết định chia lợi nhuận hay không, chia như thế nào là thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp và Luật này quy định Hội đồng thành viên là cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận.

Đại diện này thông tin, năm 2014, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đã nộp ngân sách 1.292 tỷ đồng. Tổng số nộp ngân sách lũy kế từ ngày thành lập đến nay là 7.071 tỷ đồng. Về tình hình phân chia lợi nhuận, tính đến năm 2010, Công ty IPC đã được chia lợi nhuận và thực nhận là 2.425 tỷ đồng. Nếu tính tiển sử dụng đất đã nộp vào ngân sách 5.827 tỷ đồng, thì qua nghĩa vụ tài chính công ty Phú Mỹ Hưng, tổng thu ngân sách thành phố tính đến nay là 15.323 tỷ đồng.

Quốc Anh
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *