Dòng chảy vốn 09/04/2015 17:11

Toyota tính ngưng sản xuất tại VN: Làm thật hay chỉ "dọa"?

FICA - Trước thông tin Toyota cân nhắc ngừng sản xuất ô tô tại Việt Nam để chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc kể từ năm 2018, GS Nguyễn Mại cho rằng, những doanh nghiệp sản xuất ô tô vẫn thường "dọa" như vậy để đòi hỏi Chính phủ tiếp tục bảo hộ cho ngành.

Chia sẻ tại một cuộc họp báo mới đây, ông Yoshihisa Maruta, Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam (TMV) cho biết, Toyota Việt Nam vẫn đang lưỡng lự trước quyết định sẽ lắp ráp, sản xuất hay nhập khẩu ô tô nguyên chiếc khi thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN giảm còn 0% vào năm 2018.

Lý do của sự lưỡng lự này là vì đến nay các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước vẫn chưa có kế hoạch cụ thể từ sau khi Chiến lược tổng thể phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được thông qua. Trong khi đó thời điểm giảm thuế nhập khẩu xuống 0% ngày càng đến gần khiến các doanh nghiệp băn khoăn việc tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc.

Về vấn đề này, trao đổi với báo chí bên lề một hội thảo diễn ra sáng nay (9/4), GS Nguyễn Mại Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) thẳng thắn: "Tôi không tin họ sẽ dời Việt Nam! Họ "dọa" và "dọa" nhiều lần rồi. Để dời một nhà máy sang nước khác không hề dễ. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần xem xét nếu họ dọa có lý thì mình phải sửa".

Theo GS Nguyễn Mại, mặc dù đã có Chiến lược phát triển phát triển ngành công nghiệp ô tô từ những năm 1991 nhưng năng lực sản xuất của Việt Nam vẫn tương đối thấp, chỉ khoảng 100.000-120.000 ô tô/năm. Do đó, vẫn phải nhập khẩu ô tô và linh kiện để sản xuất ô tô trong nước. 

"Các doanh nghiệp đang tính nếu thuế linh kiện vẫn giữ nguyên trong khi thuế ô tô bằng 0% thì người ta sẽ không dại gì nhập khẩu linh kiện về lắp ráp mà sẽ nhập nguyên chiếc. Vấn đề đặt ra là cần có một chính sách phù hợp cho ngành công nghiệp ô tô", GS Nguyễn Mại nói.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Mại cũng cho rằng, có một thực tế là Chính phủ đã quá "dung dưỡng" cho các nhà sản xuất ô tô kể cả Honda, Toyota về bảo hộ sản xuất khi áp thuế suất cao từ thuế nhập khẩu cho tới thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Chính điều này khiến cho người tiêu dùng Việt Nam chịu thiệt khi phải mua ô tô với giá gần như đắt nhất trong khu vực (chỉ sau Singapore).

"Việt Nam có thu nhập trung bình thấp, GDP đứng thứ 7 trong khu vực nhưng giá ô tô cao, do đó Chính phủ cần xem lại “chủ nghĩa bảo thủ mậu dịch” . Tất nhiên không thể không bảo hộ nhưng kéo dài bảo hộ là thất bại lớn về mặt chính sách ô tô. Bây giờ, người ta bắt đầu kêu la đòi chỉnh phủ bảo hộ tiếp nhưng tôi nghĩ không có cạnh tranh thì sẽ không có sự phát triển", ông nói.

Theo GS Nguyễn Mại, Việt Nam có 2 điều kiện để phát triển ngành công nghiệp ô tô đến từ lợi thế dân số đông có thu nhập bình quân đang ngày càng tăng và lợi thế từ khu vực cộng đồng chung ASEAN. 

"Dự kiến dân số Việt Nam sẽ đạt mốc 100 triệu người vào năm 2020 với mức thu nhập 2,5-4 nghìn USD/người. Trong đó, sẽ có khoảng 15% người thuộc lớp trung lưu có mức thu nhập gấp 2,5 thu nhập bình quân tức là 15 triệu người có thể mua ô tô. Ngoài ra, khu vực ASEAN là cộng đồng đông dân số, GDP xấp xỉ của Đức khoảng 2.500 tỷ USD, ô tô có thể luân chuyển thoải mái nên nếu có chính sách tốt hoàn toàn có thể phát triển ngành công nghiệp ô tô", ông nói thêm.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *