Dòng chảy vốn 06/05/2015 14:11

Thuế và phí nào khiến người Việt gánh nhiều nhất ASEAN?

FICA - Trong khi áp lực trả nợ nước ngoài ngày một lớn, ngân sách dự đoán thất thu thì nhiều khoản phí, phụ phí trong thời gian sắp tới sẽ được tăng thêm, trong đó tiêu biểu là phí lưu hành một số tuyến cao tốc, phí bất động sản…

Bối cảnh tăng phí, phụ phí được dự đoán đang và sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của doanh nghiệp và người dân khi mà họ đang phải vật lộn hàng ngày với các vấn đề tồn tại hay thu hẹp sản xuất, cạnh tranh hoặc thoái lui thị trường trước áp lực hàng nhập khẩu đang đổ vào Việt Nam ngày càng lớn.

 

Sắp tới, sẽ có thêm một số loại phí có tác động đối với nhiều doanh nghiệp và người dân (ảnh minh họa)

 

Các phí nào sẽ được tăng?

 

Trước tiên là các loại phí giao thông. Mới đây tháng 2/2015 Bộ GTVT đã có đề xuất Chính phủ cho tăng phí cao tốc TP HCM – Trung Lương từ mức tối thiểu 1.000 lên 1.500 đồng/km với xe dưới 12 chỗ. Theo đề xuất này, xe dưới 12 chỗ sẽ có mức phí tăng từ 40.000 đồng lên 60.000 đồng cho suốt tuyến đường dài hơn 40 km. Hiện, mức phí cao tốc TP HCM – Trung Lương ở mức tối thiểu 1.000 và tối đa là 6.000 đồng/km.  Nếu đề xuất này được  thông qua, giữa tháng 6/2015 mức thu này sẽ được áp dụng.

 

Tương tự, từ ngày 30/6 tới theo Thông tư 45/2015/BTC của Bộ Tài Chính về thu phí đường bộ đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ (dài 29km), xe và phương tiện qua cao tốc này sẽ phải trả phí tối thiểu đối với ô tô dưới 12 chỗ là 45.000/lượt, tối đa là 180.000 đồng/lượt. Tính ra, mỗi km đoạn đường này, xe dưới 12 chỗ đã phải trả 1.500 đồng và hơn 6.000 đồng/km. Đây là điều dư luận khá ngạc nhiên bởi đường Pháp Vân - Cầu Giẽ dù có tên cao tốc nhưng sử dụng nền đường cũ của QL 1A, không phải giải phóng mặt bằng, lại thu phí bằng hoặc cao hơn như các đường cao tốc làm mới vốn phải chịu thêm chi phí giải phóng mặt bằng.

 

Trong khi đó, nếu tính toán ra, hai đường cao tốc trên có mức phí cao hơn cả cao tốc mới và hiện đại nhất hiện nay là Bài – Lào Cai. Với chiều dài 245 km, phí cho xe dưới 12 chỗ ngồi trở xuống là 300.000 đồng/lượt, cao nhất đối với xe chở container 40 feet là 1.2 triệu đồng/lượt. Tính ra chỉ khoảng 1.200 – 4.900 đồng/km đối với từng loại xe. Dưới mức tiêu chuẩn của đường cao tốc 1.500 đồng/km.

 

Đối với DN vận tải, phí cao tốc sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho DN bởi ngoài ra họ phải đóng thêm phí lưu hành xe, phí bảo trì đường bộ hằng năm. Các loại phí này cuối cùng sẽ làm gia tăng thêm chi phí sản xuất cho DN và người dân.

 

Ngoài phí đường cao tốc, lĩnh vực bất động sản cũng có một loại phí mới. Theo Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây, DN bất động sản muốn kinh doanh phải nộp thêm hai khoản phí gọi là: Tiền ký quỹ thực hiện dự án BĐS và tiền bão lãnh cho người mua nhà. Mặc dù loại phí này giúp an toàn cho thị trường, cho người mua nhà. Tuy nhiên, theo giới bất động sản, chắc chắn các phí mới này sẽ được tính vào giá nhà và người mua nhà vẫn là người tiêu dùng chịu thiệt cuối cùng.

 

Người dân sẽ cảm nhận nợ rõ trên vai!

 

Trong bối cảnh Việt Nam phải vay nợ để đầu tư, phát triển, Chính phủ  phải phát hành trái phiếu đảo nợ, hoãn nợ để giảm bớt gánh nặng cho người dân, daonh nghiệp thì đến nay đã đến lúc số nợ của Chính phủ đang được người dân cảm nhận rõ qua việc thu thêm các loại thuế, phí, phụ phí.

 

Nhìn về sâu xa vấn đề tăng phí, phụ phí một phần bắt nguồn từ  áp lực trả ngày càng nợ lớn. Năm 2015, theo tính toán của Bộ Tài Chính, nợ đến hạn phải trả trong năm nay sẽ chiếm khoảng 30% chi ngân sách. Trong khi đó, thói quen chi ngân sách của Việt Nam vẫn ở mức 7/3.  (70% chi thường xuyên và 30% chi đầu tư phát triển và trả nợ). Như vậy, ngân sách dành cho trả nợ năm 2015 sẽ ăn hết phần chi cho đầu tư. Tiền đầu tư từ ngân sách sẽ không có, vì vậy, tháng 4/2015 Bộ Tài chính cho biết Việt Nam đang cần 1,5 tỷ USD (32.000 tỉ đồng) để trả nợ và bù đắp bội chi và kiến nghị Chính phủ phát hành trái phiếu để đảo nợ.

 

Ngoài ra, số nợ đến hạn phải trả của Việt Nam từ năm 2015 trở đi được dự báo là sẽ tăng dần. Dự kiến đến hết năm 2015, tổng nợ  đến hạn trả đã là 150.000 tỷ đồng (7, 1 tỷ USD). Trong khí nợ nước ngoài chủ yếu là vốn vay ODA có kỳ hạn, vốn Trái phiếu Chính phủ... Đơn cử như ODA, từ năm 1995, Việt Nam chính thức tiếp nhận nhiều vốn ODA nhất, các dòng vốn này đa phần có lãi suất, có thời gian trả nợ trung bình 25 – 30 năm.  Như vậy chỉ còn khoảng 5 – 10 năm nữa, Việt Nam sẽ phải trả nợ số tiền lớn.

 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cần cân đối chi 50/50 cho chi thường xuyên và chi trả nợ, đầu tư. Nếu vẫn chi đầu tư, trả nợ 30% cho năm 2015, chắc chắn Chính phủ sẽ phải phát hành trái phiếu để đảo nợ và đến lúc không thể đảo nợ được thì biết tính thế nào?

 

Theo Bà Lan, điều dễ nhận thấy áp lực thu ngân sách chính là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế này với rượu, bia thuốc lá, ô tô vẫn được giữ nguyên hoặc tăng thêm. Thuế này sẽ làm tăng chi phí sản xuất khiến nhiều DN  trong ngành gặp khó khăn. Bên cạnh đó, số mặt hàng như điều hòa nhiệt độ, xăng sinh học, xe điện các nước bỏ rồi mà Việt Nam vẫn giữ.

 

Theo TS Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế, có ba vấn đề lớn của Ngân sách năm 2015 là: Thất thu từ giảm và xóa bỏ thuế trong cam kết hội nhập; thất thu từ nhập siêu khi “bóng ma” nhập siêu quay trở lại, dự tính cả năm nhập siêu 6 – 8 tỷ USD và thứ ba là các vấn đề thất thu thuế, chống chuyển giá của các DN liên doanh, 100% vốn nước ngoài chưa được hiệu quả khiến Việt Nam mất thu. Thất thu thuế, thâm hụt cán cân thương mại… sẽ khiến áp lực Ngân sách và trả nợ ngày càng lớn đối với người dân và DN.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *