Dòng chảy vốn 02/05/2015 06:00

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu

FICA - Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2015, trong đó yêu cầu chủ động điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; thực hiện động bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu...

Theo Nghị quyết, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi diễn biến kinh tế thế giới, kinh tế vĩ mô, cán cân thanh toán quốc tế và thị trường ngoại tệ, chủ động điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước để bổ sung vốn đầu tư phát triển, bảo đảm an toàn tài chính tiền tệ quốc gia. Thực hiện có hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, cơ quan, địa phương xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; tổ chức thẩm định và dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định của Luật Đầu tư công, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2015. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và các dự án đầu tư có giá trị gia tăng lớn.

Bộ Tài chính tổ chức hướng dẫn, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số06/CT-TTg ngày 21/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2015; thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước; điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, đúng quy định. Quản lý chặt chẽ nợ công, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, cơ cấu lại nợ công. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường vốn. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. Tăng cường quản lý giá, nhất là giá các mặt hàng liên quan trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng.

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu. Tổ chức theo dõi, nắm bắt kịp thời thông tin thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng thị trường. Chú trọng xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy đàm phán với các đối tác tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản. Đẩy mạnh phát triển mạng lưới phân phối, lưu thông, bảo đảm tốt cung cầu, nhất là các mặt hàng nông sản. Kích thích tiêu dùng nội địa, tiếp tục thực hiện có hiệu quả “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Về việc bình ổn giá đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Chính phủ thống nhất chủ trương tiếp tục thực hiện quản lý giá tối đa theo quy định tại khoản 7 Điều 17 Luật Giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời hạn từ ngày 1/6/2015 đến hết ngày 31/12/2016. Trong quá trình thực hiện quản lý theo giá tối đa đã được công bố, nếu có những nguyên nhân khách quan tác động đến giá sữa, cơ quan quản lý nhà nước về giá chịu trách nhiệm rà soát, xác định giá tối đa cho phù hợp.

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm sữa thực hiện kê khai giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của pháp luật về giá.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *